(MPI Portal) – Sáng 22/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo các ban quản lý dự án (BQLDA). Tham dự Hội thảo có ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng nhiều đại biểu đại diện đến từ Ban QLDA các địa phương.
|
Ông Hoàng Viết Khang phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Viết Khang cho biết hiện nay có khoảng 500 BQLDA cấp tỉnh do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và WB tài trợ, số lượng BQLDA quá nhiều dẫn đến lãng phí. Vì vậy, mục đích Hội thảo này nhằm phân tích các yếu tố tiềm ẩn về thể chế có ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của các dự án ODA, với trọng tâm tập trung cho công tác quản lý dự án ở cấp tỉnh, thành phố và đưa ra các phương án cụ thể nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý dự án, phù hợp với nội dung của Nghị định 38/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Một vấn đề bất cập khác cũng được ông Hoàng Viết Khang nêu ra là mỗi dự án đều có ban chuẩn bị dự án, song khi chuyển sang quá trình thực hiện lại tiến hành thành lập mới các ban quản lý dự án. Như vậy, những người mới lại được tuyển và ban giám đốc dự án cũng thay đổi.
|
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal) |
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, những năm vừa qua Chính phủ Việt Nam và các tỉnh, thành phố đã rất quan tâm và thúc đẩy giải ngân của các dự án đầu tư được nhanh, đúng tiến độ, trong đó vai trò của các ban quản lý là rất quan trọng. “Song trong thực tế, không phải dự án nào cũng đạt tiến độ và có kết quả tốt. Điều này khiến chúng ta cần cùng nhau xem lại các mô hình tổ chức của các ban quản lý dự án, nhằm nâng cao tính hiệu quả trong thời gian tới,” bà Kwakwa nói.
Đại diện Công ty tư vấn Mandala đưa ra hai phương án trung hạn trong việc củng cố, sắp xếp lại cấu trúc tổ chức BQLDA. Một là phối hợp cấu trúc các BQLDA theo từng ngành và hợp nhất các ban quản lý đang tồn tại, điều này sẽ giúp cho các tỉnh, thành phố quản lý về mặt hành chính dễ dàng hơn, tiết kiệm chi phí trang thiết bị, văn phòng đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực trong cùng một ngành, địa phương.
|
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal) |
Tuy nhiên, lựa chọn này cũng sẽ nảy sinh ra những hạn chế về tính bền vững của các BQLDA kiểu này, do lượng vốn và các dự án ODA sẽ ngày càng giảm đi. Bên cạnh đó, cũng nảy sinh ra sự khiên cưỡng trong hoạt động phối hợp quản lý do việc mất đi quyền kiểm soát và lợi ích của các đơn vị cấp dưới…
Phương án hai, thành lập Ban quản lý dự án ODA trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đối với các dự án đa ngành và dự án phát triển khu vực, mà điển hình là mô hình của tỉnh Lào Cai. Theo đó, mô hình này tập trung được công tác chỉ đạo, điều phối và nâng cao tính chuyên nghiệp hóa trong quản lý dự án ODA. Tuy nhiên, phương án này cũng có những điểm yếu như khả năng quản lý hiệu quả cùng một lúc nhiều dự án cũng có những hạn chế nhất định.
Đại diện của tỉnh Lào Cai cũng ghi nhận, Ban quản lý ODA tỉnh Lào Cai là mô hình quản lý đầu tiên trong cả nước, trong quá trình thực hiện đã cho thấy tính hiệu quả của mô hình này và được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, Ban quản lý ODA tỉnh đang gặp những khó khăn về nguồn nhân lực trong quá trình chuẩn bị và thực hiện các dự án đòi hỏi tính chuyên ngành sâu trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ thông tin …
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal) |
Bà Victoria Kwakwa đánh giá, mô hình BQLDA nhìn chung còn phức tạp và gây ra nhiều hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các chương trình, dự án ODA. WB đã tiến hành nghiên cứu các mô hình điển hình và mang đến các chia sẻ với các tỉnh khác về mô hình, cách thức quản lý hiệu quả hơn. Qua đó, các cấp có thể dựa vào đó và đưa ra các khuôn khổ pháp lý phù hợp trong việc thúc đẩy các dự án tổ chức hiệu quả hơn, nhằm giảm chi phí hoạt động, tăng cường năng lực và kỹ năng quản lý dự án… tạo nền tảng để trở nên chuyên nghiệp hơn,” bà Kwakwa nói./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư