(MPI Portal) –Sáng ngày 28/4/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014, tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Hội nghị nhằm đánh giá tình hình phát triển doanh nghiệp, đánh giá những mặt thuận lợi, mặt tốt, mặt làm được, đồng thời chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp cùng bàn thảo và đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực với mục tiêu phát huy tối đa những thuận lợi, tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả...nhằm đóng góp vào phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, cùng với nỗ lực cải cách DNNN của Chính phủ, môi trường đầu tư kinh doanh đã ngày càng được cải thiện, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp các thành phần kinh tế nhà nước cùng phát triển bình đẳng, trở thành bộ phận không thể thiếu và ngày càng giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế.
Khu vực DNNN tiếp tục trải qua quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ, thu hẹp dần phạm vi hoạt động, tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính, những lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng Nhà nước cần nắm giữ. Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đa số đều kinh doanh hiệu quả hơn, phát triển mạnh lên về mọi mặt. Năm 2012, khu vực DNNN đóng góp 32,5% GDP, thực hiện khoảng 37,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 36% thu ngân sách nhà nước và tạo ra 14,5% lao động làm việc tại các doanh nghiệp.
Khu vực doanh nghiệp FDI, với thế mạnh về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Năm 2012, các doanh nghiệp FDI đóng góp 18% GDP, 23% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, 31% thu ngân sách, tạo ra 24% lao động việc làm. Đặc biệt khu vực FDI đóng góp tới 61% kim ngạch xuất khẩu năm 2013, góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 15,4% so với năm 2012.
Về phía Chính phủ, với chức năng kiến tạo, có nhiệm vụ chính là thiết lập và duy trì một môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp, bao gồm 4 nhóm công việc chủ yếu đó là: duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, dễ dự đoán; tạo khung khổ pháp lý cùng với quy trình, thủ tục hành chính đơn giản, tường minh và hiệu quả cho doanh nghiệp hoạt động với chi phí thấp nhất; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lựctheo nguyên tắc bình đẳng, cạnh tranh không phân biệt giữa các thành phần kinh tế; và hỗ trợ mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, nhưng theo Thứ trưởng cũng phải thừa nhận rằng, giữa chính sách và thực thi, giữa chủ trương, quyết tâm của Chính phủ và kỳ vọng, mong chờ của doanh nghiệp vẫn còn có khoảng cách nhất định. Tổng hợp báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp cho thấy thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thời gian qua còn nhiều khó khăn thể hiện ở những khía cạnh như tốc độ tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp và chất lượng hoạt động chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tổng phương diện thanh toán và tín dụng đều thấp hơn cùng kỳ cho thấy việc khơi thông dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, sức cầu của nền kinh tế chưa được cải thiện đáng kể. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp, tồn kho cao, tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần có một chương trình đột phát thể chế tạo khí thế mới, động lực mới cho khu vực doanh nghiệp giai đoạnh 2014 – 2015. VCCI đã tập hợp trên 300 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước trong đó có một số nhóm kiến nghị chủ yếu như hệ thống pháp luật về kinh doanh, chính sách tài khóa, chính sách tín dụng, chính sách công nghệ, chính sách thị trường, quan hệ lao động, cải cách thủ tục hành chính và cải cách tư pháp và tăng cường đối thoại hợp tác giữa các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất một số giải pháp để các đại biểu trao đổi, thảo luận giữa Chính phủ và doanh nghiệp, trong đó về nhóm giải pháp chung tiếp tục tập trung cải thiện khung khổ pháp lý cho đầu tư kinh doanh cần đẩy nhanh việc thông qua và đưa ra thực hiện các văn bản luật quan trọng liên quan đến môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp như: Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Phá sản sửa đổi, Luật Đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp…
Về tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận nguồn lực bao gồm nguồn lực đất đai và tài chính, Luật Đất đai năm 2013 đã được thông qua với nhiều nội dung sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong tiếp cận mặt bằng cho sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tới, UBND các địa phương cần chủ động, công bố công khai quy hoạch sử dụng đất, khuyến khích, ưu tiên, doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế đã được thành lập, ưu tiên ngân sách tạo quỹ xây dựng các cụm, khu công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về tiếp cận nguồn lực tài chính, trong thời gian qua vốn huy động của ngân hàng tăng cao trong khi dư nợ tín dụng không tăng tương ứng.
Để tạo lập cơ hội kinh doanh, thị trường đầu tư cho doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ chính sách từ phía Chính phủ. Đối với thị trường quốc tế, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ về ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ bảo vệ bản quyền và thương hiệu, về xác nhận, cấp chứng chỉ chất lượng và xuất xứ hàng hóa, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế; có cơ chế giải quyết tranh chấp để hạn chế tối đa các vụ việc hàng hóa của Việt Nam không bị kiện bởi các chính sách chống bán phá giá của các nước. Đối với thị trường mua sắm của Chính phủ, Luật Đấu thầu sửa đổi đã quy định cụ thể các dự án Chính phủ phải dành ưu tiên cho DNNVV. Trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện thông qua việc đẩy mạnh ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo nhiều cơ hội thị trường đầu ra cho sản phẩm của DNNVV khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, một số giải pháp cụ thể cho từng loại hình doanh nghiệp như đối với với các DNNN, doanh nghiệp FDI,doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng được nêu ra.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đẩy mạnh điều phối triển khai Quyết định số 1231/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạnh 2011 – 2015, đặc biệt tại 63 tỉnh, thành phố; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy hợp tác và chia sẻ công nghệ giữa DNNVV với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khuyến khích DNNVV tham gia các chương trình liên kết ngành, liên kết vùng và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng quản trị kinh doanh cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai trên toàn quốc.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao sự phấn đấu, nỗ lực vànhững đóng góp hết sức quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước thời gian qua. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhìn lại hơn 3 năm qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, song với nỗ lực chung của cả nước, chúng ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra cho kế hoạch 5 năm 2011-2015. Nổi bật là, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, năm sau cao hơn năm trước; an sinh xã hội được đảm bảo; chính trị -xã hội ổn định; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; an ninh quốc phòng được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Những thành quả đạt được nêu trên có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chính phủ sẽ làm hết sức mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Điều này vừa để cho doanh nghiệp thành công, vừa để đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước; rất mong cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực phát huy những kết quả, thành tựu đạt được, ra sức khắc phục những khó khăn, thách thức để thành công”./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư