(MPI Portal) - Trong bối cảnh suy thoái chung của nền kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại trong nền kinh tế quốc gia, với định hướng tổng quát năm 2013 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đẩy mạnh đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đồng thời bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đạt các mục tiêu về đối ngoại, hội nhập quốc tế, tăng cường quốc phòng an ninh… nền kinh tế Việt Nam đã có chuyển biến bước đầu, tích cực và đúng hướng.
Với mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, 9 tháng đầu năm, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, so với tháng 12/2012, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 3,53%, tháng 9 dự báo tăng khoảng 4-4,5%. Dưới những tác động chính sách, dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2013 so với cùng kỳ năm trước sẽ được kiềm chế ở mức tăng khoảng 7% so với kế hoạch là khoảng 8%. Lãi suất giảm, dư nợ tín dụng ước tăng 6,4 – 6,8%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (tăng 2,5%). Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng khá cao, ước đạt 95 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu 9 tháng ước đạt 95,7 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Ước nhập siêu 9 tháng đầu năm 2013 là 700 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khối đầu tư nước ngoài đóng vai trò hết sức quan trọng, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 57 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thu chi ngân sách dự kiến giữ được chỉ tiêu đề ra, ước tổng thu ngân sách nhà nước cả năm 2013 đạt 788,5 nghìn tỷ đồng, đạt 96,6% dự toán năm, trong khi tổng chi ngân sách nhà nước cả năm 2013 ước đạt 950,5 nghìn tỷ đồng, bội chi giữ ở mức 4,8% GDP.
Thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, các giải pháp, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của Chính phủ đã cho thấy những hiệu quả bước đầu. Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi, ước 9 tháng đầu năm 2013, GDP ước tăng 5,1%, bằng tốc độ tăng cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ đang từng bước được cải thiện.
Trước những dự báo về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2013, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp cần tập trung trong những tháng cuối năm 2013, liên quan đến việc thực hiện các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân hàng, tăng cường huy động nguồn lực cho phát triển, tích cực phát triển thị trường trong nước,…..
Dự báo tình hình kinh tế thế giới có những khởi sắc trong năm 2014, tăng trưởng toàn cầu về cơ bản đang trên đà phục hồi, dù còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và chưa vững chắc. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 được dự đoán có nhiều khả năng sẽ hồi phục nhưng sẽ thiếu bền vững nếu những tồn tại mang tính cơ cấu của nền kinh tế chưa được giải quyết, như yếu kém về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực thấp, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, bất cập tồn tại trong hệ thống luật pháp, chính sách… Năm 2014 cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạm phát cao do tác động trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2013.
Trên cơ sở những mục tiêu tổng quát của nền kinh tế, Chính phủ đã đưa ra dự kiến các chỉ tiêu kinh tế cơ bản trong năm 2014 bao gồm: GDP tăng khoảng 5,8 – 6% so với năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với ước thực hiện năm 2013, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 6%, tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP là 4,8%, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%. Bên cạnh đó, một số cân đối lớn của nền kinh tế năm 2014 cần được đảm bảo: cân đối lao động và việc làm; cân đối thu, chi ngân sách nhà nước; cân đối vốn đầu tư phát triển; cân đối xuất nhập khẩu; cán cân thanh toán quốc tế; cân đối về điện và lương thực.
Nhằm đạt được những mục tiêu kể trên, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, các ngành tiếp tục kiên định những nhiệm vụ, định hướng phát triển ngành và lĩnh vực, trong đó đẩy nhanh thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong doanh nghiệp, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chú trọng đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục đổi mới hệ thống ngân hàng trên cơ sở cơ cấu, tổ chức lại, phát triển đồng bộ và lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, giảm dần tỷ lệ nợ xấu thông qua việc tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Ngoài ra cần nhất quán thực hiện mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, cần phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, vừa đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thương mại và đầu tư cần được thúc đẩy, đặc biệt chú trọng thu hút nhiều nguồn vốn ODA, FDI, đồng thời sử dụng có hiệu quả trong đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí. Thúc đẩy sản xuất các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng hơn cho khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư