Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/11/2013-17:41:00 PM
Tăng trưởng bền vững, bình đẳng và dành cho tất cả mọi người
(MPI Portal) – Ngày 19/11/2013, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức Cuộc họp Nhóm điều phối Lĩnh vực trọng tâm 1 dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương và Trưởng đại diện FAO, JongHa Bae.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương và Trưởng đại diện FAO, JongHa Bae đồng chủ trì cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Kế hoạch Chung cho giai đoạn hợp tác 2012 - 2016 được Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc ký tháng 3/2012. Đó là khuôn khổ chung cho chương trình hợp tác của các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam. Văn kiện này đề ra một chương trình chiến lược hoạt động chung nhằm hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề ưu tiên trong phát triển cho giai đoạn 5 năm tới.

Kế hoạch Chung cũng nêu rõ sự tiếp tục chuyển hướng sang tư vấn chính sách chất lượng cao đồng thời chú trọng hơn nữa đến hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và vai trò của Liên hợp quốc trong việc kết nối các đối tác cùng tham gia khác nhau và mở rộng các quan hệ đối tác mới.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng, cũng như các nước thu nhập trung bình ở mức thấp khác đã trải qua giai đoạn tăng trưởng và giảm nghèo nhanh, Việt Nam hiện đang gặp phải những thách thức lớn như cần chuyển sang nền kinh tế công nghiệp cao và kỹ năng cao, khó khăn trong việc đảm bảo phát triển bền vững, khoảng cách giàu nghèo và khoảng cách phát triển giữa các khu vực ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu cần tăng cường năng lực thể chế để đối phó với hoàn cảnh thay đổi và thực hiện hiệu quả các chính sách ưu tiên cũng tăng cao. Những thách thức này cũng được nêu rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (SEDS) 2011 – 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (SEDP) 2011 – 2015.
Như ghi nhận trong SEDS và trong các phân tích độc lập của Liên hợp quốc và các đối tác phát triển khác, Việt Nam cần thay đổi cơ cấu kinh tế để tăng trưởng bền vững và có chất lượng hơn. Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, con người và môi trường bền vững để mọi công dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển và những người dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất không bị bỏ lại phía sau.
Trọng tâm của Kế hoạch chung về tăng trưởng bền vững, công bằng và dành cho tất cả mọi người là hoàn toàn thống nhất với ưu tiên của SEDP nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức độ hợp lý và đi kèm cải cách kinh tế và xây dựng mô hình tăng trưởng sáng tạo để cải thiện hiệu quả và tính cạnh tranh đồng thời không quên đi những quan ngại về bình đẳng giới.
Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, ông JongHa – Bae phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, ông JongHa – Bae cho biết, dựa vào Mục tiêu quốc gia nêu trong SEDP 2011 – 2015 được ký bởi 17 cơ quan Liên hợp quốc vào ngày 27/3/2012 đã đánh dấu thế hệ thứ 2 của “thống nhất hành động” bằng việc tập trung hơn nữa vào kết quả mục tiêu.
Kế hoạch Chung 2012-2016 nêu lên ba lĩnh vực lớn trọng tâm bao gồm việc hỗ trợ Chính phủ đạt được tăng trưởng bền vững, bình đẳng và cho tất cả mọi người; tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu có chất lượng và bảo trợ xã hội; và tăng cường quản trị công và sự tham gia. Các hoạt động trong ba lĩnh vực này sẽ giúp giải quyết các vấn đề ưu tiên của Việt Nam, như đã nêu trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015.
Tổng kết về lĩnh vực trọng tâm 1 với mục tiêu tăng trưởng công bằng, bền vững và dành cho tất cả mọi người, ông Patrick Jean Gilabert, Trưởng đại diện UNIDO cho biết, Lĩnh vực trọng tâm 1 với 15 kết quả đầu ra trong đó các mục tiêu quan trọng tập trung vào chính sách phát triển dựa vào bằng chứng của MIC như Việt Nam, cơ hội việc làm, biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai và quản lý tài nguyên và môi trường.
1. Tăng trưởng kinh tế và việc làm tốt lấy con người làm chủ
Năm 2012, tăng trưởng xanh và cải cách cơ cấu kinh tế là trọng tâm trong chính sách của Việt Nam. Cải cách tài chính, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước thể hiện trong Chiến lược 2013 – 2020 được phê duyệt vào tháng 2/2013, chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam được phê duyệt vào tháng 9/2012 kêu gọi giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sản xuất xanh và tăng cường hiểu biết và thay đổi hành vi của người dân… Chính phủ cũng cam kết thực hiện các biện pháp mới nhằm khuyến khích phát triển cộng đồng và tham gia vào việc thực hiện và giám sát chương trình trong bối cảnh cải cách đang diễn ra khá chậm trễ.
Ông Patrick Jean Gilabert, Trưởng đại diện UNIDO phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Mặc dù việc thực hiện gặp nhiều thách thức song các đường lối và mục tiêu phát triển chiến lược đã có tác động lớn tới công dân, doanh nhân và cả xã hội. Liên hợp quốc cũng cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách các dữ liệu, bằng chứng và các giải pháp chính sách thay thế dựa trên kinh nghiệm tốt của thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam cần giải quyết một số trở ngại sau như khung pháp lý để phát triển thống kê quốc gia chưa đầy đủ, hệ thống thu thập dữ liệu yếu và việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ và nhân dân còn hạn chế. Đói nghèo cùng cực vẫn tồn tại, đặc biệt ở khu vực xa xôi và đồng bào dân tộc, công dân trong khu vực không chính thức và người nhập cư. Nền kinh tế không chính thức với rất nhiều công việc có điều kiện làm việc kém, lương thấp và không được bảo hiểm xã hội đầy đủ.
Bên cạnh đó, kỹ năng của lực lượng lao động không đáp ứng yêu cầu cần có kinh nghiệm quản lý và kỹ thuật ở mức cao hơn. Phân biệt đối xử đã hạn chế những nhóm dễ bị tổn thương đặc biệt là phụ nữ, người lao động nhập cư không tham gia đầy đủ trong thị trường lao động chính thức, đồng thời chênh lệnh về lương do vấn đề giới vẫn tồn tại.
Trong năm 2012, thống kê đã được sử dụng nhiều hơn trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các lựa chọn chiến lược về phát triển lấy con người làm trọng tâm đã được đưa ra và được các nhà hoạch định chính sách xem xét. Chính phủ sử dụng cách tiếp cận đa chiều trong phân tích và lập kế hoạch giảm nghèo.
Mặt khác, Chính phủ đã xây dựng các chính sách phát triển doanh nghiệp, tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ và tạo việc làm tốt đã được xây dựng như Chiến lược việc làm quốc gia đã được xây dựng và phê duyệt, kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ quốc gia, chính sách về xây dựng cụm doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, các chính sách và chương trình đào tạo nghề quốc gia đã đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại bằng việc chuẩn hóa mạng lưới giáo viên, lồng ghép vào hệ thống giáo dục và dạy nghề. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mục tiêu đã cạnh tranh hơn với thị phần cao hơn và xuất khẩu lao động được hưởng lợi từ những chính sách việc làm tốt hơn theo đó ngăn chặn phân biệt đối xử và bóc lột quá mức.
2. Đối phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý môi trường và quản lý rủi ro thiên tai
Biến đổi môi trường đã nổi lên là một thách thức đối với Việt Nam. Thảm họa thiên tai và các thảm họa khí hậu khác đang tăng đồng thời nhu cầu năng lượng cũng như gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường và chi phí liên quan cũng gia tăng.
Năm 2012, Việt Nam đã chứng tỏ cam kết nhằm phát triển nền kinh tế ít các-bon bằng việc thông qua Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu giảm khí thải nhà kính GHG khoảng 8 – 10% từ mức của năm 2010 và giảm tiêu thụ năng lượng/đơn vị GDP khoảng từ 1 đến 1,5%/năm.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Trong Kế hoạch chung 2012 – 2016, Liên hợp quốc tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật nhằm thiết kế và vận hành các chính sách về thích nghi và giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa trên bằng chứng, xây dựng và thực hiện các chính sách và cơ chế tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy đa dạng sinh học, tiếp cận với các cơ hội tài trợ cho biến đổi khí hậu trên toàn cầu…
Một số kết quả đạt được trong năm 2012 như các chính sách, chương trình và kế hoạch của quốc gia có tính toán đến biến đổi khí hậu như các nghiên cứu và công tác thực địa để chuẩn bị các lựa chọn chính sách giải quyết vấn đề nhập cư, tái định cư và biến đổi khí hậu tập trung vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Các nhóm dễ bị tổn thương và thiệt thòi có thể chống chọi với các thảm họa thiên tai tốt hơn trong đó, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được thực hiện ở 63 tỉnh bao gồm đào tạo 602 cán bộ trong nước và xác định 6.000 cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương nhất dựa trên Chỉ số rủi do tổng hợp. Chính phủ ưu tiên đầu tư nhằm xây dựng khả năng chống chọi của cộng đồng ở 20 tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Bên cạnh đó, sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan ra quyết định về quản lý rủi ro thiên tai được tăng cường như ở Bình Định nơi có hơn 80% số Ban Phòng chống lụt bão cấp huyện và xã có đại diện của Hội phụ nữ.
Chương trình giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD) quốc gia và Kế hoạch hành động qua đó nhằm điều phối và định hướng hỗ trợ quốc tế cho REDD+ ở Việt Nam theo một khung duy nhất. 30 triệu USD được cam kết dành cho Chương trình Liên hợp quốc – REDD Việt Nam giai đoạn 2, bắt đầu từ năm 2013 và điều này đánh dấu Chương trình REDD+ lần đầu tiêu thực sự do quốc gia làm chủ.
Một số kết quả khác như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đi vào vận hành, các chính sách và năng lực quốc gia nhằm quản lý năng lượng công nghiệp được đưa tăng cường thông qua đào tạo các chuyên gia về quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả và thí điểm áp dụng ISO 50001 trong tiêu chuẩn quản lý năng lượng của một số ngành.
Một số ưu tiên trong năm 2014 được các đại biểu tham dự cuộc họp chỉ ra đó là xác định các lĩnh vực hoạt động phù hợp nhất và tập trung hơn vào các lĩnh vực chủ trốt, cải thiện công tác quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, lồng ghép quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên và hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 962
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)