|
Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật Bản – Việt Nam tại cuộc đối thoại. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu tại cuộc đối thoại ông Takahashi Kyohei vàông Nakamura Kuniharu đều tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của cả 2 bên, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Nhật Bản sẽ có những bước tiến mới; đồng thời mong muốn với tư cách là cơ quan trực tiếp quản lý về đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản sang khảo sát thực tế, tìm kiếm cơ hội và hợp tác đầu tư hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.
Tại cuộc đối thoại, ông Lê Xuân Bá Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã trình bày về Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam- NhậtBản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong đó đưa ra một số giải pháp để thực hiện tốt Chiến lược trong đó tập trung vào các giải pháp xây dựng kế hoạch hành động phát triển cho từng ngành; thu hút sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản vào quá trình này; Hoàn thiện đồng bộ khung khổ pháp lý và chính sách khuyến khích phát triển các ngành đã chọn; Đẩy mạnh cải cách đồng bộ thủ tục hành chính; Phát triển một vài vùng, địa phương thành những vùng động lực của Chiến lược Công nghiệp hóa để phát triển các ngành được lựa chọn, ưu tiên phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực tại các vùng đó. Tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động một cách nhất quán, thống nhất trên nguyên tắc hai bên Việt Nam và Nhật Bản cùng hợp tác trao đổi; Nhật Bản hỗ trợ tích cực quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược.
Trong phiên đối thoại về lĩnh vực ô tô và phụ tùng ô tô, ông Maruta Yoshihisa, Tổng Giám đốc của Toyota Motor Việt Nam cho rằng, Toyota Tsuho Vietnam đã đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, thông qua tăng cường các ngành công nghiệp tự động như cung cấp các nguyên vật liệu và linh kiện với dịch vụ hậu cần tốt nhất và giá cả cạnh tranh nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà sản xuất tập trung vào chuyên môn và tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các cơ quan nhà nước của cả hai bên.
Trong hợp tác về thiết bị điện tử, theo ông Soma Katsuyoshi Tổng Giám đốc Canon tại Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc sản xuất tại các sản phẩm đòi hỏi rất nhiều loại vật liệu, phụ liệu, máy móc, thiết bị, khuôn đúc, dịch vụ…. Tuy nhiên, các nhà cung cấp tại Việt Nam không đủ khả năng đáp ứng, hầu hết vật liệu, máy móc, thiết bị đều phải nhập khẩu. Các dịch vụ kỹ thuật, thiết kế đều không đủ đáp ứng nhu cầu.
Để thúc đẩy công nghiệp hóa tới năm 2020, Canon kiến nghị đến Chính phủ Việt Nam xúc tiến khía cạnh chính trị nhằm chuyển giao các công nghệ quan trọng từ doanh nghiệp nước ngoài như miễn thuế cho cho chuyên gia và thuế trong chuyển giao công nghệ, miễn thuế trong đầu tư các ngành công nghiệp đòi hỏi nguồn vốn lớn, thúc đẩy phát triển chung hàng hóa địa phương v.v…
Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia kinh doanh công nghệ (hỗ trợ các công ty công nghệ cao của Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh doanh, đẩy mạnh học tập và đào tạo ở nước ngoài…)Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi (phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục, môi trường nhân lực ổn định, nâng cao trình độ công nghệ cơ bản, cải thiện cơ sở hạ tầng v.v…)Về nông sản chế biến và máy móc nông nghiệp, vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp, do tốc độ công nghiệp hóa và cơ giới hóa nhanh tại các thành phố lớn, thiếu lực lượng lao động nông nghiệp trở nên nghiêm trọng.
Ông Matsubara Takeo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Yanmar cho rằng, để giải quyếtcác vấn đề thiếu lực lượng lao động ngành nông nghiệp: do dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp sản xuất, máy móc chất lượng thấp và không an toàn được nhập khẩu và bán tại thị trường Việt Nam, giá nông sản trong nước và xuất khẩu thấp… Việt Nam cần tăng cường cơ giới hóa nông nghiệp.
Ông Morimoto Tatsuji, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty cổ phần Sapporo mong muốn Chính phủ Việt Nam nâng cao trình độ kỹ thuật trong đó tập trung nâng cao trình độ đào tạo kỹ thuật trong các trường đại học, cao đẳng và trường dạy nghề, nâng cao trình độ hợp tác giữa đào tạo, công nghiệp. Nhằm hiểu được nhu cầu của các doanh nghiệp, từ đó xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, và hợp tác với các trường đại học triển khai các chương trình này.
Tiếp theo, đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu tập trung vào tin học hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục và thảo luận đi tới sửa đổi các điều luật và quy định có liên quan nhằm tạo sự thống nhất giữa các doanh nghiệp và các cơ quan hải quan.
Về hợp tác chiến lược phát triển quan hệ Nhật Bản – Việt Nam, ông Yanai Taiji, Tổng Giám đốc của Taisei, văn phòng tại Việt Nam cho biết, hai bên đã đưa ra những cam kết hợp tác nhằm thúc đẩy hiện thực hóa các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại Việt Nam như dự án sân bay quốc tế Long Thành thông qua hình thức PPP, cho phép sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đảm bảo sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
|
Toàn cảnh cuộc đối thoại. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
KEIDANREN với vai trò là tổ chức kinh tế lớn nhất Nhật Bản, đại diện cho giới kinh tế và công nghiệp Nhật Bản đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong suốt thời gian qua. Trong khuôn khổ đối thoại chính sách này, Việt Nam mong muốn KEIDANREN, từ kinh nghiệm thực tiễn của mình sẽ góp ý cụ thể, thẳng thắn cho việc triển khai nhằm hiện thực hóa Chiến lược, đồng thời hỗ trợ trong việc tìm kiếm và xúc tiến các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia đầu tư vào 6 ngành nêu trên.
Hai bên tin tưởng rằng cuộc đối thoại chính sách sẽ là một khởi đầu tốt đẹp cho việc hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và KEIDANREN./.