Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/10/2013-15:23:00 PM
"Không bỏ quên nguồn vốn cổ phần hóa doanh nghiệp"
Trước đề xuất của các đại biểu phải thu lãi từ tập đoàn, tổng công ty nhà nước về cho ngân sách để bù đắp hụt thu, bên lề Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định: Doanh nghiệp đang làm ăn bình thường có lãi, không nhất thiết phải bán vội nếu giá chưa được. Nhưng nếu cần thiết cũng vẫn phải bán.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.

(Ảnh: Vũ Anh (Vietnam+)

- Trong thời gian qua, ngân sách Nhà nước đang bị hụt thu, phải đi vay nước ngoài, chính vì vậy nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị với Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, điều tiết cổ tức từ các tập đoàn, tổng công ty để thu được nguồn vốn về cho ngân sách. Phó Thủ tướng nghĩ sao về đề xuất này?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Yêu cầu, đề xuất đẩy nhanh cổ phần hóa, bán vốn, điều tiết lợi nhuận từ các tập đoàn, tổng công ty về ngân sách cũng là một quan điểm. Về vấn đề này Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, Chính phủ đang thực hiện. Kỳ họp trước đã có đề xuất như vậy và tôi đã có một bài viết phản biện việc bỏ quên nguồn này.
Nghị quyết Trung ương 3 quy định, nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không cân đối chi ngân sách mà tăng cường đầu tư cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mạnh, làm ăn tốt lên, từ đó có sản phẩm phục vụ đất nước và nền kinh tế và có thêm nguồn lực đóng góp cho nền tài chính cho quốc gia.
Hiện Chính phủ đang thực hiện chủ trương bán bớt cổ phần tại những doanh nghiệp Nhà nước hoạt động tại một số lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng. Nguồn vốn này bây giờ thu vào cũng được, bố trí ngân sách cấp ra cũng được, vấn đề là lựa chọn chính sách nào cho phù hợp, chứ không phải nguồn vốn đó bị Chính phủ bỏ quên.
- Trong tình hình khó khăn hiện nay, có ý kiến cho rằng đây cũng là cơ hội thay đổi thể chế, thu hút nguồn lực xã hội. Ý kiến của Phó Thủ tướng về vấn đề này?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Giai đoạn khó khăn hiện nay đã bộc lộ những khiếm khuyết nền kinh tế đồng thời cũng tạo ra áp lực đổi mới mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế không phải bây giờ mới làm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước chính là một phần của tái cơ cấu.
Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX chính là bước ngoặt của tái cơ cấu doanh nghiệp, vừa rồi Trung ương lại tiếp tục họp bàn về việc đổi mới doanh nghiệp Nhà nước mạnh mẽ hơn. Bên cạnh việc đổi mới, tới đây Chính phủ sẽ tăng cường công tác giám sát, khi có thêm nguồn lực thì việc minh bạch hóa sẽ giúp công tác giám sát tài chính quốc gia được thực hiện tốt hơn. Tôi cho rằng có những vấn đề, nếu chỉ nhìn thoáng qua sẽ thấy không có gì mới. Nhưng nếu đi sâu vào một số khía cạnh sẽ thấy nhiều điểm mang tính đột phá.
- Nhiều doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa hiện nay sợ bán giá thấp, bị lỗ phải chịu trách nhiệm làm mất vốn nhà nước. Để giải tỏa tâm lý này, Chính phủ có cơ chế xử lý như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Chính phủ có nghị quyết rồi, tới đây sẽ hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, doanh nghiệp đang làm ăn bình thường có lãi, không nhất thiết phải bán vội nếu giá chưa được. Nhưng nếu cần thiết cũng vẫn phải bán, đấy là một loại.
Đối với đầu tư ra ngoài ngành, chủ trương chung rút vốn về, lùi cũng phải có trật tự. Tiến công cũng phải có phương án, thì lùi cũng vậy. Quan điểm của Chính phủ cái nào càng để càng lỗ, càng mất vốn thì bán càng nhanh càng tốt. Còn cái nào đang không lỗ, đầu tư lâu dài, triển vọng tốt không nhất thiết bán ngay, vì thế có lộ trình, nói cái làm ngay là không được, phải cân nhắc lợi ích quốc gia một cách tốt nhất.
Còn tâm trạng doanh nghiệp khi đã đầu tư, hoạt động nay bán đi, nhất là dưới giá trị bao giờ cũng lo ngại, rồi lo lắng vì bị suy diễn thất thoát vốn. Do đó, chúng ta phải đặt ra tiêu chí, ví dụ mỗi ngày qua đi mà doanh nghiệp bị mất thêm tiền, vốn phải bán càng nhanh càng tốt.
- Vậy với những doanh nghiệp Nhà nước sau khi bán bị thâm vốn, bị lỗ sẽ chịu trách nhiệm thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Đương nhiên phải tính toán, yêu cầu làm rõ nguyên nhân ra. Nếu vì trách nhiệm vì cái chung thì không sao, còn vì cá nhân, có gì trong đó không tốt thì phải chịu trách nhiệm nhưng phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.
- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
Thúy Hà
Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1115
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)