Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/03/2008-08:23:00 AM
Khai mạc Hội thảo “Miền Trung - Vận hội mới cho đầu tư và phát triển”

Hôm nay 27-3, tại TP Đà Nẵng, Bộ KH-ĐT phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng, ấn phẩm SGGP Đầu tư - Tài chính và UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức khai mạc Hội thảo “Miền Trung - Vận hội mới cho đầu tư và phát triển”.

Tham dự có trên 350 đại biểu doanh nghiệp trong và ngoài nước; đại diện các bộ, ngành liên quan của 19 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Một số đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, tổ chức quốc tế (IMF, WB, UNDP, ADB, JICA...). Hội thảo tập trung bàn về những vấn đề đang được quan tâm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khả năng thu hút và hấp thụ lượng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn đang ồ ạt đổ vào khu vực này...

Trên 10 tỷ USD

Trong những năm qua, khu vực miền Trung đã có những bước khởi sắc với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm 2007 đạt 13% cao hơn so với cả nước, cơ cấu kinh tế có chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Về đầu tư nước ngoài, đã có những dấu hiệu cho thấy một làn sóng đầu tư mới vào khu vực này.

Riêng năm 2007 và 2 tháng đầu năm 2008, toàn vùng đã thu hút được 154 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 5,3 tỷ USD (kể cả cấp mới và tăng vốn) lớn hơn tổng vốn đầu tư của cả thời kỳ 1988 - 2006 cộng lại, toàn vùng có 631 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký lên 10 tỷ USD.

Vai trò của khu vực kinh tế này ngày càng tăng, hiện đã đóng góp 5,2% vào GDP, xuất khẩu đạt hơn 25% toàn vùng và thu hút gần 100.000 lao động trực tiếp. Năm 2007 còn được đánh dấu bởi sự xuất hiện của một số dự án lớn như: Nhà máy lọc dầu Vũng Rô của Anh và Nga (1,7 tỷ USD), Công ty TNHH Trung tâm Thương mại Vinacapital của Hàn Quốc (325 triệu USD), Khu phức hợp resort cao cấp của Singapore (276,25 triệu USD), Công ty TNHH Daewon Cantavil (250 triệu USD)... nâng quy mô vốn đầu tư cấp mới của khu vực lên 30,1 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô của cả nước (14,1 triệu USD/dự án). Đã có 36 trong tổng số 83 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam có dự án đầu tư tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Để có được những con số ấn tượng đó, một lợi thế cần phải nói đến là vai trò “trụ cột” của 9 khu kinh tế (KKT) với tổng diện tích 291.627ha và 20 KCN khác. Tuy hình thành chưa lâu, song đến nay, 8 KKT này đã thu hút được 223 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 12,3 tỷ USD; trong đó, có 49 dự án FDI (3,45 tỷ USD).

Điểm đặc biệt là các dự án FDI đầu tư vào các KKT này hầu như có quy mô khá lớn (trung bình 70,4 triệu USD/dự án). Thu hút FDI mạnh nhất là KKT Vân Phong (chiếm 32,6% tổng vốn FDI tại các KKT trong vùng). Tiếp đến là Dung Quất (24,3%) và Nghi Sơn (18,5%)...

Vẫn còn nhiều bất cập

Thi công Nhà máy Lọc dầu Dung Quất,
một trong những dự án góp phần đưa khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi)
lên vị trí khu kinh tế có vốn đầu tư cao nhất hiện nay của cả nước.

Được nhìn nhận là một vùng đất ẩn chứa nhiều tiềm năng và lợi thế riêng cần được đầu tư khai thác nhiều hơn, hiệu quả hơn; là địa bàn trải dài theo đất nước với chiều dài bờ biển hơn 1.500 km rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch - Đầu tư: Không đâu bằng miền Trung lại tập trung nhiều vịnh nước sâu rất thuận lợi để phát triển những cảng biển và dịch vụ tàu biển; có những bãi biển đẹp, những di tích văn hóa, lịch sử được thế giới công nhận, giờ đã là những điểm du lịch quốc tế hấp dẫn.

Khu vực miền Trung nằm trên trục giao thông chính của cả nước, có nhiều sân bay với một số sân bay lớn được đầu tư nâng cấp trở thành sân bay quốc tế. Nhìn về xa hơn, miền Trung còn là đầu ra cho các nước tiểu vùng sông Mêkông nối kết một vùng rộng lớn từ phía Nam Trung Quốc qua Myanmar, Thái Lan, Lào. Với hơn 20 KCN và 9 KKT đã được thành lập sẽ tạo nên những điểm đột phá, trở thành động lực phát triển của vùng và là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Con người miền Trung được biết đến là những người cần cù, hiền hậu và thông minh, tiếp cận rất nhanh những máy móc, công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung cả nước, cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng nhu cầu của các dự án đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đời sống dân cư còn nhiều khó khăn, GDP bình quân đầu người năm thấp hơn trung bình cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển đổi khá chậm, trong đó ngành nông - lâm - ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ khá cao (33,4%) so với 20,25% của cả nước.

Xây dựng vùng tập trung sản phẩm công nghiệp

Về định hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Trung, tiến sĩ Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng: Phát huy lợi thế của vùng tập trung xây dựng thành vùng tập trung công nghiệp chủ đạo và sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng, chế tạo và công nghiệp có hàm lượng lao động cao. Tập trung chuyển đổi cơ cấu sản phẩm công nghiệp theo hướng hình thành những sản phẩm công nghiệp chế biến chủ lực: Công nghiệp lọc hóa dầu; công nghiệp chế biến thủy sản; công nghiệp cơ khí, điện tử; công nghiệp hàng tiêu dùng, công nghiệp vật liệu xây dựng... với trình độ công nghệ hiện đại, năng suất và chất lượng cao đảm bảo năng lực cạnh tranh của sản phẩm...

Phát triển công nghiệp bổ trợ để nâng cao giá trị quốc gia trong các sản phẩm thế mạnh trong vùng. Đầu tư phát triển công nghiệp phần mềm tại các thành phố lớn nơi tập trung tiềm lực khoa học - công nghệ của vùng như Vinh, Huế, Đà Nẵng và Nha Trang.

Trước mắt tập trung đầu tư hoàn chỉnh và khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp đã và đang được triển khai xây dựng. Sẽ xem xét mở rộng và thành lập mới khoảng 9 KCN với tổng diện tích khoảng 1.660 ha, thu hút khoảng 95 - 100 triệu USD vốn đầu tư phát triển hạ tầng, 1,6 - 2 tỷ USD vốn đầu tư sản xuất công nghiệp tại các KCN. Phát triển một số cụm công nghiệp vừa và nhỏ tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội phát triển.

Nguyễn Hùng - Hà Minh
Sài Gòn giải phóng

    Tổng số lượt xem: 1098
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)