Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/03/2008-14:42:00 PM
Lạm phát vẫn có nguy cơ tăng hai chữ số
Tổ điều hành thị trường của Liên Bộ cuối tháng trước đã dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 3 tăng từ 0,5 đến 0,8%.

Một lần nữa, dự báo của tổ này tiếp tục ở mức thấp như các lần trước trong năm 2007.

Mặc dù Tổng cục Thống kê chưa công bố chính thức, nhưng căn cứ vào diễn biến thực tế của thị trường thời gian qua (tăng xăng dầu với tốc độ cao vào cuối tháng 2, giá lương thực - thực phẩm tiếp tục tăng cao, giá vật liệu xây dựng tăng phi mã...) và tốc độ tăng giá của Hà Nội - một trung tâm tiêu dùng lớn của cả nước - tăng 1,9%, tác giả bài này dự đoán giá tiêu dùng tháng 3 của cả nước tăng không dưới 1,9%.

Nếu dự đoán trên là đúng, thì tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 3 này sẽ là mức cao nhất so với tốc độ tăng của tháng 3 trong 18 năm trước đó.

Giá tiêu dùng tháng 3/2008 so với tháng 12/2007 (tức là sau 3 tháng) đã tăng 8%, cũng là tốc độ tăng cao nhất so với tốc độ tăng 3 tháng đầu năm tính từ năm 1993 đến nay, cao hơn tốc độ tăng 6,6% của cả năm 2006, bằng 63,3% tổng tốc độ tăng của cả năm 2007, bằng 94% tốc độ tăng theo mục tiêu đề ra cho cả năm 2008.

Nếu 9 tháng còn lại tăng bằng với tăng bình quân chung trong 9 tháng còn lại của 16 năm qua (3,51%) thì cả năm 2008 sẽ tăng 11,8%, cao thứ hai trong các năm tính từ năm 1993 đến nay (sau năm 2007); nếu tăng bằng mức 9 tháng còn lại của 4 năm gần đây (tăng 5,51%) thì cả năm 2008 sẽ tăng 14%, cao nhất tính từ năm 1993 đến nay.

Nếu tính theo năm (tức là so với cùng kỳ năm trước) thì tốc độ tăng giá tháng 3 năm nay so với tháng 3 năm trước sẽ tăng khoảng 17%, thuộc loại cao nhất tính từ năm 1993 đến nay.

Đây cũng là con số cao hơn tốc độ tăng so với cùng kỳ của các tháng trước (tháng 1/2008 tăng 14,11%, tháng 2 tăng 15,67%, tháng 3 tăng 17%), tính bình quân chung 3 tháng năm nay so với 3 tháng năm trước đã tăng 15,59%.

Có nghĩa là tốc độ tăng hai chữ số, tăng có xu hướng cao lên và có khả năng cao hơn tốc độ tăng tính bằng cách so tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước (ngược với năm trước là tốc độ tăng tháng 12 so với tháng 12 cao hơn tốc độ tăng bình quân 12 tháng so với bình quân 12 tháng năm trước).

Như vậy, dù tính theo phương pháp nào (tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước, hay tính bình quân năm nay so với bình quân năm trước) thì năm nay giá tiêu dùng vẫn có nguy cơ tăng hai chữ số.

Đây là một cảnh báo đáng lưu ý, bởi vì:

Một, đã có một số ý kiến cho rằng lạm phát đã có xu hướng giảm khi thấy tốc độ tăng giá của tháng 3 thấp hơn của tháng 2 và tháng 1, trong khi theo các số liệu lịch sử, tốc độ tăng giá tháng 3 thường giảm (trong 17 năm qua chỉ có 6 năm tăng, còn 11 năm giảm).

Hai, một số ý kiến cho rằng các biện pháp chống lạm phát đã có kết quả rõ rệt, nên bắt đầu có đề xuất nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong đó đáng lưu ý có đề xuất hạ trần lãi suất huy động xuống còn 11%; nếu tính theo năm còn có thể cao hơn.

Theo dự báo trên, tốc độ tăng giá cả năm thấp cũng ở mức 11,8%, mức cao hơn là 14%, nhưng có khả năng cao hơn nếu nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều đó có nghĩa là lãi suất huy động vẫn thấp hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng, hay lãi suất tiết kiệm thực vẫn mang dấu âm, trái với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ba, một số đơn vị kinh doanh mặt hàng thuộc độc quyền nhà nước hoặc chiếm trên 30% thị phần vẫn đang đòi tăng giá, đòi được quyền định giá, trong đó có một số mặt hàng Thủ tướng đã chỉ đạo chưa tăng giá, nhưng cũng có một số mặt hàng vẫn đòi tăng giá như nước chẳng hạn.

Chưa thể chủ quan thỏa mãn với kết quả bước đầu của công cuộc chống lạm phát; khả năng tăng 2 chữ số, thậm chí còn cao hơn năm ngoái đang treo lơ lửng trước mặt.

Dương Ngọc
Vneconomy

    Tổng số lượt xem: 1400
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)