Mục tiêu mà Quốc hội đặt ra cho tăng trưởng GDP của kinh tế Việt Nam trong năm 2009 là 6,5%.
Nếu mục tiêu 6,5% hiện thực, tăng trưởng kinh tế năm 2009 được duy trì so với năm 2008, sau khi đã giảm khoảng 2% so với năm 2007 (khoảng 6,5% so với 8,5%).
Nhưng theo nhận định chung của một số chuyên gia tại hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2009” do Thời báo Kinh tế Việt Nam và VnEconomy tổ chức tại Tp.HCM ngày 22/12, đây là mục tiêu quá lạc quan, và nếu vẫn đạt được thì đó là sự kỳ diệu và có thể phải trả giá đắt.
3 kịch bản cho năm 2009
Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra của nền kinh tế năm 2009; trong đó, mức tăng trưởng 6,5% trở nên xa vời khi mà mốc 6% đã là một kịch bản lạc quan.
Cụ thể, với kịch bản lạc quan, ông Thúy cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2009 có thể đạt khoảng 6%, lạm phát ở mức dưới 10% và nền kinh tế chấm dứt đà suy giảm, bắt đầu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn từ năm 2010.
“Đó là kịch bản chúng tôi coi là khó đạt được, cũng có thể đạt được nhưng chưa chắc đã cần phải trả giá để đạt được”, ông Thúy nói.
Trong khi kịch bản mà ông đánh giá tương đối hiện thực là tăng trưởng sẽ đạt khoảng 5%, lạm phát ở dưới mức 10%, có thể khoảng 6% - 8%. Với kịch bản này, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng ở mức tương tự sau năm 2009, nhưng những cơ sở cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững hơn được củng cố để có bước bứt phá từ năm 2011.
“Theo tôi, nên theo đuổi kịch bản hai. Tăng trưởng khoảng 5%, giữ lạm phát khoảng 6% - 8%, nếu được 6% là tốt, để ổn định vĩ mô tốt hơn và tập trung nguồn lực gia cố những nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững mà lâu này chúng ta chưa gia cố được”, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khuyến nghị. “Đừng có vì tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn mà phải trả giá đắt để rồi cứ ì ạch như vậy mà không thể cất cánh”.
Ngoài hai khả năng trên, người nguyên là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đề cập đến một kịch bản xấu mà Việt Nam không thể loại trừ, phải lường tính trước nếu Chính phủ không có những chính sách khôn ngoan.
Cụ thể, với kịch bản này thì tăng trưởng kinh tế năm 2009 có thể chỉ đạt khoảng 4%, trong khi lạm phát lại lên trên 10% và nền kinh tế đình đốn kéo dài.
Điểm mà ông Thúy lo ngại là nếu lạm phát khoảng 10% trở lên sẽ tiếp tục kéo theo những bất ổn vĩ mô khó có thể khắc phục. Hệ quả là nền kinh tế khó có thể có được bước đột phá cho thập kỷ tới.
Có tin cậy các báo cáo ngoại?
Theo tập hợp của TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc phụ trách nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, trong các báo cáo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế kinh tế Việt Nam năm 2009 chỉ có duy nhất một tổ chức có cùng dự báo 6,5% là Ngân hàng Thế giới (WB); còn lại hầu hết cao nhất là 5,2%, thậm chí có những dự báo bi quan.
Cụ thể, trong báo cáo mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo ở mức 5%, tương tự như mức dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và BMI. Cao hơn, Tập đoàn Citigroup đưa ra dự báo 5,2%. Các tổ chức khác như Economist Intelligence Unit, Deutsche Bank, CLSA lần lượt là 4,3%, 4,1% và 2,6%.
Về những dự báo này, theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, “kinh nghiệm cho thấy họ thường đánh giá sai, chưa chắc đã đúng và cần phải xem xét lại”.
TS. Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng cần đặt hoài nghi đối với những dự báo của các tổ chức nước ngoài và những báo cáo đó đều có thể thay đổi, điều chỉnh.
“Tuy nhiên, khi tất cả các dự báo đều cùng chỉ một hướng thì chúng ta phải thực sự ngồi lại để xem tại sao lại như vậy. Nếu như chỉ là 1, 2 báo cáo nói tăng trưởng của Việt Nam thấp thì không sao, có thể không quá lo ngại, nhưng khi một loạt tổ chức quốc tế và trong nước đều đưa ra dự báo mức tăng trưởng thấp hơn 6,5% thì chúng ta phải đặc biệt lo ngại”, ông Tự Anh nói.
Và theo ông, nếu năm 2009 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được 6% đã là một thành tích thần kỳ.
Trở lại với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và kiềm chế lạm phát tăng dưới 15% mà Quốc hội đặt ra cho năm 2009, một số ý kiến cho rằng đến thời điểm này tình thế đã có nhiều thay đổi và cần đánh giá lại.
Theo ông Lê Đức Thúy, chính sách kiềm chế lạm phát không còn là mục tiêu ưu tiên nữa; thay vào đó là phải chuyển hướng ưu tiên ngăn chặn sự cộng hưởng giữa suy giảm kinh tế trong nước với những tác động xấu của khủng hoảng kinh tế thế giới, củng cố các yếu tố cần cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong tương lai.
Thời báo kinh tế Việt Nam