Đà suy giảm kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng thế nào tới các làng nghề tại Việt Nam?
Trả lời câu hỏi này của VnEconomy bên lề diễn đàn “Tiềm năng và thực trạng của làng nghề Việt Nam hiện nay”, vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Lưu Duy Dần, Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nói:
- Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu thu về của làng nghề là khoảng 750 triệu USD. Năm 2008, kim ngạch của làng nghề vẫn ước đạt khoảng 850 triệu USD. Nhưng ngay từ những tháng giữa năm nay, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, những khó khăn của làng nghề ngày càng hiện rõ.
Do kinh tế thế giới khó khăn, thị trường của các làng nghề cũng bị thu hẹp lại. Nhiều hợp đồng đã ký nay buộc phải hủy bỏ vì khách hàng không có khả năng thanh toán.
Sức tiêu thụ trên thị trường trong nước cũng chững lại. Sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, thu nhập giảm sút, các làng nghề đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Theo thống kê của chúng tôi, hiện có khoảng 60% doanh nghiệp làng nghề đang phải cầm cự, khoảng 20% đang thoi thóp. Các doanh nghiệp này có thể sẽ phá sản nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng trong thời gian tới.
Hiện nay ước tính các làng nghề trong cả nước đang giải quyết công ăn việc làm cho khoảng bao nhiêu lao động, thưa ông?
Cả nước hiện có khoảng 2.790 làng nghề truyền thống, các làng nghề này đã thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động. Trong đó có cả những người già, thương binh, người tàn tật, trẻ em và lao động lúc nông nhàn.
Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường thế giới, hiện đâu là những khó khăn lớn nhất mà các làng nghề đang gặp phải, thưa ông?
6 khó khăn lớn nhất mà các làng nghề hiện đang phải đối mặt là hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn, thị trường chưa phát triển do mẫu mã chậm cải tiến, công nghệ lạc hậu, diện tích sản xuất nhỏ hẹp, thiếu nhân lực có trình độ cao và vấn đề ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất.
Thiếu vốn, không có điều kiện cải tiến công nghệ, mẫu mã đã khiến cho các làng nghề không dễ mở rộng thị trường. Thị trường không được mở rộng, doanh nghiệp sẽ không có vốn để cải tiến sản xuất. Vòng luẩn quẩn này đã khiến cho các làng nghề khó có cơ hội bứt phá.
Các làng nghề còn đang đứng trước yêu cầu tạo thêm việc làm cho một lực lượng lao động trước đây đã ra thành thị để làm ăn. Nhưng do tình hình khó khăn chung, chi tiêu đắt đỏ, công việc không ổn định, họ buộc phải trở về quê để kiếm làm việc.
Thêm vào đó còn là tình trạng nguyên liệu tại chỗ ngày càng cạn kiệt. Phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, điều này đã khiến cho các làng nghề càng dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như biến động về giá cả thị trường.
Thời báo kinh tế Việt Nam