Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới (WEO) công bố ngày 9/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2008 sẽ chững lại ở mức 7,3% và tiếp tục dừng ở mức này trong năm 2009.
Điểm khác biệt lớn nhất so với báo cáo của các định chế tài chính khác là IMF cho rằng kinh tế Việt Nam chưa hồi phục mạnh mẽ vào năm 2009.
Báo cáo Cập nhật Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của WB công bố ngày 1/4 cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2008 tăng trưởng 7,5 - 8%, nhưng sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2009 ở mức 8,1 - 8,5%.
Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á công bố ít ngày sau đó, ADB dự báo GDP của Việt Nam năm 2008 tăng 7%, nhưng năm 2009 có nhiều khả năng sẽ đạt 8,1%.
Tuy nhiên, các chuyên gia IMF lại cho rằng mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2009 không cao hơn năm 2008 (7,3%). Về dài hạn, IMF có cái nhìn khá lạc quan về triển vọng của kinh tế của Việt Nam khi dự báo GDP năm 2013 đạt mức 8%.
IMF cho rằng, Việt Nam nằm trong số những nền kinh tế mới nổi, được xếp vào nhóm ASEAN-5 (Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Việt Nam) nên ít bị tác động hơn trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tăng trưởng kinh tế đạt 7,3% của Việt Nam được đánh giá vẫn ở mức cao và không đáng phải bi quan trong xu thế chung của toàn cầu, đặc biệt là sự sụt giảm tăng trưởng từ các nền kinh tế phát triển.
Theo IMF, tăng trưởng chững lại ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển còn xuất phát từ những nỗ lực ngăn chặn “tăng trưởng nóng”, ảnh hưởng ngoại lai về tài chính và giá cả hàng hóa truyền thống giảm bớt sự gia tăng.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2008 được IMF dự báo cũng chững lại mức 9,3% so với 11,4% của năm trước đó; Ấn Độ từ 9,2% xuống còn 7,9%; Singapore từ 7,7% xuống còn 4%...
Trong nhóm ASEAN-5, Việt Nam vẫn giữ vị trí số một: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2008 - 2009 của Malaysia đạt 5% và 5,2%; Indonesia đạt 6,1% và 6,3%; Philippines đạt 5,8%; Thái Lan đạt 5,3% và 5,6%.
Tuy nhiên, theo IMF, lạm phát của Việt Nam lại đứng đầu trong nhóm ASEAN-5, ở mức 14% năm 2008. Trong khi đó, mức lạm phát năm 2008 ở Indonesia là 6,7%; Malaysia với 2,4%; Philippines với 3,4% và Thái Lan là 1,9%.
Dự báo của IMF về mức lạm phát của Việt Nam cũng thiếu sự lạc quan so với WB và ADB. WB dự báo chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam năm 2008 sẽ được kiềm chế bằng mức năm 2007 (12,6%) và sẽ giảm xuống còn 9% vào năm 2009.
ADB dự báo mức lạm phát của Việt Nam sẽ giảm xuống khoảng 9,2% trong năm 2008. Các chuyên gia IMF cho rằng phải tới năm 2009, mức lạm phát ở Việt Nam mới được kiềm chế ở mức 8,5% và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục giảm, năm 2013 sẽ còn 6%.
IMF cho rằng những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Việt Nam phải đối mặt với thách thức kiểm soát lạm phát, đồng thời phải tỉnh táo trước rủi ro suy giảm tăng trưởng do ảnh hưởng từ các nền kinh tế tiên tiến cùng với những căng thẳng trên thị trường tài chính.
Báo cáo WEO khuyến nghị rằng cần thắt thặt chính sách tiền tệ hơn nữa để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát.