Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/04/2008-08:51:00 AM
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 32 tỉnh, thành phía Nam không được hạ chỉ tiêu tăng trưởng

Sáng 7-4, tại Hội trường Thống Nhất TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị bàn về các giải pháp kiềm chế lạm phát, tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 với chủ tịch UBND 32 tỉnh, thành phía Nam. Đây là hội nghị quán triệt các giải pháp Chính phủ đã đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát, đồng thời lấy ý kiến của các tỉnh, thành về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải và Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện các bộ, ngành tham dự.

Hai vấn đề “nóng”

Trong số 9 ý kiến phát biểu của chủ tịch UBND các tỉnh, thành, đại diện cho 32 tỉnh thành phía Nam, đều thống nhất và đánh giá rất cao các giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Đây là một gói giải pháp khá toàn diện, nếu được phối hợp thực hiện tốt thì chắc chắn sẽ cắt được cơn lạm phát.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các đại biểu, có 2 vấn đề họ thực sự lo ngại, liên quan đến xây dựng cơ bản (XDCB) và việc cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ ra rằng, trong bối cảnh giá cả hàng hóa đã tăng khá cao, để duy trì được các khoản chi ngân sách như kế hoạch đã khó, nay Chính phủ yêu cầu cắt giảm 10% chi tiêu sẽ đẩy nhiều đơn vị vào tình thế khó xử. Ngay từ cuối năm 2007, tỉnh đã yêu cầu các loại hình dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế không được phép tăng giá.

Theo tính toán, chi phí cho một chuyến xe cấp cứu từ Khánh Hòa vào TPHCM là 2,3 triệu đồng/chuyến, nhưng kể từ khi giá xăng tăng đã đội thêm gần 1 triệu đồng, lên 3,2 triệu đồng/chuyến. Khoản tăng này các đơn vị đang phải gánh chịu. Nếu tình hình này kéo dài và không được sự hỗ trợ từ ngân sách sẽ gây nhiều khó khăn cho ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Tương tự, tỉnh đang thực hiện chính sách “đổi gạo, lấy chữ” nhưng giá gạo hiện tăng cao mà địa phương lại không điều chỉnh kịp thời theo giá thị trường nên đã xảy ra tình trạng học sinh bỏ học hàng loạt… “Chúng tôi đang lo, Chính phủ đã công bố không tăng giá các mặt hàng chủ lực đến hết tháng 6-2008, vậy thời gian tới sẽ như thế nào đây? Điều gì xảy ra nếu giá các mặt hàng tiếp tục tăng?” - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đặt vấn đề.

Liên quan đến vấn đề XDCB, các ý kiến đều cho rằng, giá vật liệu xây dựng tăng phi mã đã khiến hàng loạt công trình XDCB bị đình trệ và ảnh hưởng trực tiếp đến việc lập các dự án xây dựng mới. Để tháo gỡ vấn đề này, Chính phủ đã ban hành văn bản số 164 và trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 05 cho phép điều chỉnh dự toán, giá gói thầu, tổng mức đầu tư, giá hợp đồng của hợp đồng thực hiện...

Tuy nhiên, theo nhận định của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, các thông tư này thường chậm hơn so với thực tế. Các quan điểm về quản lý giá vĩ mô chưa đồng bộ. Cụ thể, ở ngành xây dựng, cuối năm 2007 giá các loại vật liệu xây dựng tăng, các công trình chưa kịp điều chỉnh thì đến đầu năm 2008 giá lại tiếp tục tăng. Chính sự thiếu nhất quán, thiếu cụ thể đã khiến tiến độ XDCB thực hiện rất chậm. Đây chính là một trong những nguyên nhân của lạm phát.

Công ty dệt may Thái Tuấn đổi mới công nghệ sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thừa nhận, việc chậm triển khai các công trình XDCB sẽ làm mất cân bằng giữa hàng và tiền. Một công trình như cầu Rạch Miễu mà triển khai xây dựng trong nhiều năm vẫn không xong thì không thể nào chúng ta kiềm chế được lạm phát.

Do vậy, để tháo gỡ, đẩy nhanh các tiến độ XDCB, Chính phủ sẽ điều chỉnh ngay các vấn đề bất cập trong việc cấp vốn, chỉ định thầu, điều chỉnh giá và cho tạm ứng thanh toán từ 80% - 90% giá trị chênh lệch của khối lượng đã thực hiện trong khi chờ làm các thủ tục điều chỉnh để tránh thiệt hại cho nhà thầu.

“Chúng ta cần xác định đẩy mạnh sản xuất và đầu tư là cốt lõi trong việc kiềm chế lạm phát, vì vậy các địa phương phải thực hiện công tác quy hoạch đi trước một bước, đồng thời rà soát lại các công trình để đảm bảo đầu tư có hiệu quả nhất. Nếu các dự án nào kém hiệu quả phải cắt giảm ngay” - Phó Thủ tướng nói.

Tương tự, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, ông chưa thực sự yên tâm với các văn bản đã có. Để đẩy nhanh các dự án, cũng cần thiết ban hành sổ tay hướng dẫn XDCB cho các địa phương. Để các tỉnh cứ lúng túng mãi trong việc triển khai như hiện nay sẽ không ổn.

Cần cơ chế riêng cho ĐBSCL!

Các đại biểu cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đang là thế mạnh của các tỉnh ĐBSCL. Mặt thứ nhất đang diễn ra khá suôn sẻ, nhưng ngược lại, vấn đề nuôi trồng thủy sản đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đầu năm nay giá thủy hải sản tăng cao nhưng đến tháng 3 đã giảm mạnh, trong khi giá thức ăn tăng đột ngột đã khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản rơi vào tình trạng phá sản. Nguyên nhân thì đã rõ nhưng đến nay cả Chính phủ và các bộ, ngành vẫn chưa đưa ra những giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho nông dân. “Nên chăng, ngành thủy sản cần bố trí những kho lạnh để mua hàng cho dân, tránh tình trạng DN nước ngoài ép giá” - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hữu Chí cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản đang chựng lại. Ngoài các nguyên nhân khách quan thì vấn đề điều hành tại các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Thực trạng chung là nhiều địa phương đang thiếu định hướng chiến lược trong việc quy hoạch “nuôi gì, trồng gì”. Chúng ta đã có Nghị định 80 nhưng việc triển khai chưa quyết liệt, sản xuất vẫn chưa đi vào tập trung, có chương trình “4 nhà” nhưng sản xuất vẫn ở dạng nhỏ, lẻ… Theo ông Chí, để kinh tế phát triển, ngoài việc đẩy mạnh các dự án đầu tư về hạ tầng, cần phải có một cơ chế riêng về vốn cũng như các chính sách khác cho ĐBSCL…

Không được hạ chỉ tiêu tăng trưởng

Giá thực phẩm tăng, khách mua hàng đã phải tính toán nhiều hơn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các tỉnh thành thực hiện tốt các giải pháp mà Bộ Chính trị đề ra để kiềm chế lạm phát, tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững, trong đó ưu tiên số một hiện nay là kiềm chế lạm phát. Theo Thủ tướng, để thực hiện được các biện pháp này cần có sự đồng thuận và huy động sức mạnh cao của cả hệ thống chính trị và chính quyền địa phương.

Quý 1-2008, mặc dù tăng trưởng GDP vẫn ở mức cao, đạt 7,4% so với cùng kỳ 2007, nhưng nền kinh tế đã bộc lộ những diễn biến khó lường, vì nhiều nguyên nhân. Lạm phát tăng cao đã và đang đe dọa đến ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2008 là rất nặng nề. Do vậy để đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2008 đạt 7%, Thủ tướng yêu cầu 32 tỉnh thành phía Nam không được điều chỉnh lùi tốc độ tăng trưởng GDP ở từng địa phương. Theo Thủ tướng, Chính phủ có thể điều chỉnh lùi mức tăng GDP so với dự kiến ban đầu (vấn đề này Chính phủ trực tiếp nhận khuyết điểm trước Quốc hội) nhưng với 32 tỉnh thành thì phải tìm mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và tăng cường xuất khẩu, thu hút đầu tư.

Các tỉnh phía Nam hiện chiếm đến 60% GDP của cả nước, trong đó kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 70%, lương thực chiếm hơn 70% và hiện có rất nhiều công trình năng lượng lớn đang được thực hiện. Với những con số này, các tỉnh phía Nam đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. “Nếu GDP của các tỉnh giảm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng chung của cả nước” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Để đảm bảo được các chỉ tiêu, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thực hiện giảm dư nợ, thắt chặt tín dụng nhưng phải bơm vốn cho sản xuất, cả tiền đồng lẫn ngoại tệ. Phải nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục toàn diện từ các bộ, ngành cho tới các địa phương trong phạm vi quyền hạn của mình. Về thuế, Chính phủ sẽ tính toán giảm Thuế Thu nhập doanh nghiệp, giảm Thuế Nhập khẩu nguyên vật liệu cần thiết, đồng thời tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu để giảm nhập siêu. Chính phủ cho phép các địa phương tăng thu đúng luật (nhưng không được tăng chi) và sử dụng khoản tăng thu này nhằm đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, tăng dự phòng cho thiên tai và bổ sung cho các công trình cấp thiết. Phải rà soát lại các dự án đầu tư để tiến hành cắt giảm và đình hoãn các dự án đầu tư công chưa cần thiết, dồn sức cho các dự án khả thi.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc Chính phủ yêu cầu cắt giảm 10% chi tiêu công chủ yếu là để các địa phương giảm bớt việc tổ chức hội họp, đi lại gây lãng phí tiền của; hạn chế tối đa việc đi nước ngoài bằng ngân sách nhà nước…

Để đảm bảo cung cầu hàng hóa cho thị trường, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, UBND các địa phương và ngành quản lý thị trường tăng cường việc giám sát, quản lý giá, chống đầu cơ hàng để tăng giá. Lạm phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ có thu nhập thấp do vậy các địa phương phải tăng cường thực hiện các vấn đề an sinh xã hội. Chính phủ sẽ không để các hộ dân đói.

“Sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết chuyên về các giải pháp kiềm chế lạm phát để các địa phương triển khai thực hiện. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do bị tác động từ thế giới nhưng chúng ta vẫn có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế. Đó là chính trị ổn định, an ninh lương thực đảm bảo. Nếu chúng ta có sự đồng thuận cao, chắc chắn việc thực hiện các giải pháp sẽ mang lại kết quả” - Thủ tướng kết luận.

Thúy Hải
Vietnamnet

    Tổng số lượt xem: 1047
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)