Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết, trong tháng 4, cả nước có 63 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,1 tỷ USD, đưa tổng số dự án cấp mới trong 4 tháng đầu năm 2008 lên 210 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,22 tỷ USD, tăng 52,9% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 4 tháng qua, có 64 lượt dự án tăng thêm vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký là 371,4 triệu USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong 4 tháng qua, cả nước đã thu hút thêm 7,598 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2007.
Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, vốn đăng ký cấp mới trong 4 tháng qua tăng cao so với cùng kỳ là do có nhiều dự án lớn được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đó là: dự án Công ty TNHH Good Choice USA - Việt Nam của Tập đoàn Good Choice (Hoa Kỳ) đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí, ẩm thực tại Bà Rịa Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư là 1,299 tỷ USD; dự án về Trung tâm Tài chính Việt Nam do tập đoàn Berjaya Leisure (Malaixia) đầu tư với tổng vốn đầu tư 930 triệu USD; dự án Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực Việt - Nhật do 3 Công ty của Nhật Bản làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư là 610,3 triệu USD.
B.V.Islands đứng đầu về vốn đầu tư đăng ký trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng qua với 11 dự án và 2,09 tỷ USD (chiếm 28,9% tổng vốn đầu tư đăng ký). Hoa Kỳ đứng thứ hai với 9 dự án có tổng vốn đăng ký 1,31 tỷ USD, chiếm 18,1%. Tiếp theo là Malaysia với 6 dự án, tổng vốn đầu tư là 1,3 tỷ USD, chiếm 18,0% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong 4 tháng qua, vốn đầu tư đăng ký tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực dịch vụ (6,5 tỷ USD vốn đầu tư), chiếm 89,9% tổng vốn đầu tư, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là các dự án kinh doanh bất động sản, khách sạn (chiếm 54% tổng vốn đăng ký). Lĩnh vực công nghiệp chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư đăng ký; số còn lại thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư.
Để thực hiện mục tiêu đề ra trong thu hút đầu tư nước ngoài, theo Cục Đầu tư Nước ngoài, các bộ ngành và địa phương cần tập trung rà soát, điều chỉnh các cam kết về mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ theo đúng các cam kết của WTO; tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có việc ban hành quy chế khuyến khích tư nhân, đầu tư nâng cấp các công trình giao thông, cảng biển, dịch vụ viễn thông, cung cấp điện nước; phấn đấu không để xảy ra tình trạng thiếu điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư nói riêng và quản lý đầu tư nói chung; vận động và phối hợp với các tổ chức quốc tế hỗ trợ mở các lớp đào tạo về xúc tiến và quản lý ĐTNN./