Tập trung vốn cho các công trình đang triển khai tốt, tạm dừng các công trình chưa thực sự bức thiết, dù của bất cứ cấp nào nhằm tăng hiệu quả đầu tư, góp phần kiềm chế lạm phát… là một trong những chủ đề mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trao đổi với báo chí ngày 22/04/2008
* PV: Thưa Bộ trưởng, tình trạng vốn đầu tư dàn trải, kém hiệu quả là một “căn bệnh” được nói đến nhiều năm nay, nhưng theo báo cáo của Chính phủ (CP), trong 3 tháng đầu năm 2008 vẫn có tới 68 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư đã được bố trí vốn?
* Bộ trưởng VÕ HỒNG PHÚC: Công bằng mà nói thì con số này cũng là một tiến bộ, vì trên toàn quốc có đến vài ngàn dự án, nhưng chúng tôi vẫn nêu ra để nghiêm khắc phê bình một số bộ ngành, địa phương chưa chấp hành nghiêm chỉnh thực hiện chỉ đạo của CP và yêu cầu họ phải chấn chỉnh.
* Khi đề ra tiêu chí cắt giảm các dự án không hiệu quả, tại sao Bộ KH&ĐT chỉ dựa trên nguồn vốn đầu tư mà chưa có các tiêu chí khác?
* Đúng là hiện nay việc cắt giảm dự án dựa trên tiêu chí về nguồn vốn và thủ tục đầu tư là chính. Các dự án khác của DNNN họ có sự chủ động của họ, đã quy định phân cấp rồi. HĐQT phải rà soát việc này và có biện pháp xử lý. Kênh cấp vốn chủ yếu cho DNNN là qua các ngân hàng, ngân hàng sẽ phải xem xét dự án nào làm ăn hiệu quả để cho vay vốn, không thể dùng biện pháp hành chính để cấm.
* Tháng 5 các địa phương mới báo cáo việc cắt giảm các công trình kém hiệu quả, như vậy có quá chậm?
* Ngay từ bây giờ phải thực hiện cắt giảm. CP đã quyết định không tăng vốn đầu tư, mặc dù đơn giá xây dựng tăng. Cho nên các địa phương phải chủ động cắt giảm các công trình không hiệu quả. Đến tháng 5 mới báo cáo CP là hợp lý, vì đây là khoảng thời gian cần thiết để các địa phương triển khai rà soát, thực hiện cắt giảm và báo cáo CP tình hình thực hiện. Nhưng tôi nhắc lại là việc cắt giảm phải được thực hiện ngay từ bây giờ.
* Danh mục các dự án thuộc diện cắt giảm, nhất là các dự án lớn, có được công bố công khai? Công trình Nhà Quốc hội thì sao, thưa Bộ trưởng?
* Trên cơ sở tổng hợp của các địa phương trong tháng 5, sau khi rà soát, chúng tôi sẽ công bố công khai. Còn công trình Nhà QH thì CP báo cáo để QH quyết định.
* Bảo tàng Hà Nội, một trong những công trình hướng tới 1.000 năm Thăng Long thì sao, thưa Bộ trưởng?
* Tất cả những dự án chưa cấp bách, chưa khởi công thì trong tình hình này nên tạm hoãn. Vì lợi ích chung của đất nước, tôi cho rằng Hà Nội cũng nên đình lại.
* Có chuyên gia đã ví von “không ai chịu vác đá ghè chân mình” khi khá nhiều địa phương “kêu” là không thể giảm chi hơn được nữa! Bộ trưởng có bình luận gì?
* Các Bộ, các tỉnh đều phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên, không có ngoại lệ. Tất nhiên việc cắt giảm phải trên cơ sở duy trì hoạt động bình thường, những khoản hoàn toàn có thể cắt giảm là chi hội họp, mua sắm ô tô, xây trụ sở... Nguồn ngân sách là do Nhà nước nắm, nên địa phương không muốn cắt giảm cũng không được, sẽ trừ ngay từ khi cấp ngân sách. Còn với DNNN, Chính phủ đã chỉ đạo họ phải rà soát lại, sau này sẽ đi kiểm tra, nếu dự án nào không hiệu quả mà vẫn đầu tư thì DNNN đó phải chịu trách nhiệm.
* Cảm ơn Bộ trưởng.
Anh Thư
Sài Gòn giải phóng