Bộ Tài chính cho biết, 4 tháng đầu năm cán cân thương mại thâm hụt, mức nhập siêu tăng cao tới 11,1 tỷ USD, bằng 60,8% kim ngạch xuất khẩu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 18 tỷ 260 triệu USD tăng 27,6 % so với cùng kỳ năm 2007, đạt 30,8% kế hoạch năm. Đa số các mặt hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2007 như gạo tăng 72,7%, sản phẩm nhựa tăng 34,1%, chè tăng 34%, dệt may tăng 24,5%, cao su tăng 23,7%, sản phẩm gỗ tăng 22,5 %, thủy sản tăng 13,6%...Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 giảm 2,8 % so với tháng 3, song tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt 29,360 tỷ USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2007. Mức nhập siêu trong 4 tháng đầu năm tới 11, 1 tỷ USD bằng 60,8% kim ngạch xuất khẩu, do vậy cần phải triệt để giảm nhập siêu trong những tháng cuối năm để góp phần giảm lạm phát.
Trước tình hình đó, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp: Ngân hàng Nhà nước bảo đảm đủ vốn và mua hết ngoại tệ cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, xử lý ngay các ách tắc về tín dụng xuất khẩu cho từng trường hợp cụ thể; tăng cường hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại đối với hàng xuất khẩu; cải cách mạnh thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất khẩu để giảm chi phí cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam đi đôi với việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp khác phù hợp với các cam kết quốc tế của nước ta để giảm nhập siêu, kể cả việc tăng thuế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu.
Chính phủ yêu cầu các cơ quan nhà nước cắt giảm 10% chi tiêu hành chính, các doanh nghiệp phải rà soát tất cả các khoản chi nhằm hạ giá thành và phí lưu thông. Chính phủ kêu gọi mọi người, mọi nhà triệt để tiết kiệm tiêu dùng, nhất là nhiên liệu, năng lượng. Đây là giải pháp vừa có tác dụng giảm sức ép về cầu, giảm nhập siêu, vừa góp phần nâng cao hiệu quả của cả nền sản xuất xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, một số biện pháp áp dụng các hàng rào kỹ thuật đã được thực hiện nhằm giảm tình trạng nhập siêu. Như việc điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu các loại tài nguyên khoáng sản: Than tăng từ 10 lên 15%, dầu thô từ 4 lên 8%, quặng sắt tinh và thô từ mức 7 đến 15% lên 20% nhằm hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô. Thực hiện việc phân nhóm các mặt hàng nhập khẩu để có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, tính toán cầu hợp lý đối với nhóm hàng cần thiết phải nhập và nhóm hàng cần nhập nhưng có sự kiểm soát thích hợp, tăng thuế suất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm hàng nhập khẩu xa xỉ không khuyến khích tiêu dùng như ô tô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng ô tô, hàng điện tử, điện lạnh…
Về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng bảo đảm đủ vốn và mua hết ngoại tệ cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ cấu tín dụng đang được điều chỉnh theo hướng mở rộng cho vay đối với các nhu cầu vốn và dự án có hiệu quả, lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp, nông thôn, hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Điều hành tỷ giá theo hướng để VNĐ lên giá nhẹ so với USD, mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối theo cơ chế tập trung mua ngoại tệ từ các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các ngân hàng thương mại. Khi mức độ lên giá của VNĐ giảm dần, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại (gần 1,2 tỷ USD) đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng.
Báo Đảng cộng sản Việt Nam điện tử