Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/05/2008-10:30:00 AM
4 biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA
Năm 2006, giải ngân ODA của Việt Nam đạt 1,8 tỉ USD, năm 2007 đạt 2,0 tỉ USD và dự kiến năm 2008 sẽ đạt 2,2 tỉ USD.

Hiện nay các công trình sử dụng vốn ODA đang được triển khai đúng kế hoạch nên khả năng giải ngân năm 2008 hoàn toàn có thể thực hiện đúng tiến độ.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 tháng đầu 2008, công tác vận động thu hút vốn đầu tư ODA của Việt Nam có nhiều thuận lợi do Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sử dụng vốn ODA hiệu quả nhất.

Tính đến hết quý I/2008, tổng giá trị ODA ký kết thông qua các hiệp định cụ thể với các nhà tài trợ đạt 369,06 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó vốn vay đạt 342,69 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại đạt 26,37 triệu USD. Trong số này có những dự án tài trợ lớn như: ADB tài trợ cho dự án “Đường hành lang ven biển phía Nam thuộc tiểu vùng Mê Kông mở rộng” 150 triệu USD; Nhật Bản tài trợ “Chương trình ngân hàng - tài chính III” 75 triệu USD; dự án “Giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn nhất” trị giá 50 triệu USD, “Chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo lần thứ 6” (PRRSC6) trị giá 30,67 triệu USD...

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do những biến động của thị trường, tình hình lạm phát vẫn gia tăng, nhưng nhờ những nỗ lực và các giải pháp của Chính phủ đề ra nhằm hoàn thiện thể chế về quản lý và sử dụng vốn ODA, tình hình thu hút vốn ODA trong quý 2/2008 vẫn được đánh giá rất khả quan.

Theo Vụ Kinh tế đối ngoại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý 2/2008 này Việt Nam sẽ ký với Nhật Bản các Hiệp định trị giá khoảng 1 tỷ USD cho một số dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu, ký với Liên minh châu Âu (EU) Hiệp định trị giá 10,8 triệu USD cho Dự án: “Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam”, ký với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Hiệp định trị giá 1,5 triệu Euro (khoảng 2,3 triệu USD) viện trợ không hoàn lại cho Quỹ Đầu tư phát triển đô thị Tp.HCM (HIFU)... Ngoài ra còn một số chương trình, dự án ODA đang hoàn tất thủ tục để đi đến ký kết.

Tuy nhiên, theo Vụ Kinh tế đối ngoại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để cải thiện tình hình thực hiện và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA năm 2008, các ngành các cấp cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02/2008/NQQ-CP ngày 9/1/2008 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2008. Cụ thể cần tập trung vào 4 điểm sau:

Thứ nhất, các ngành, các địa phương tập trung rà soát lại các công trình sử dụng vốn ODA do mình quản lý để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường năng lực quản lý và sử dụng vốn ODA, đào tạo cán bộ quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.

Thứ hai, các địa phương phải tổ chức tốt việc thực hiện Đề án định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ chính thức (ODA) thời kỳ 2006-2010 và Kế hoạch hành động thực hiện Đề án này.

Thứ ba, tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 48/2008/QĐ-TTg ngày 3/4/2008 ban hành Hướng dẫn chung lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Nhóm 5 ngân hàng, gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng Thế giới. Phối hợp với 5 nhóm ngân hàng này để thực hiện các giải pháp cấp bách và Kế hoạch hành động cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA thời kỳ 2006-2010.

Thứ tư, tổ chức thực hiện theo “Khung theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA thời kỳ 2006-2010” để có những đánh giá, điều chỉnh kịp thời nhằm hạn chế tình trạng chậm giải ngân và để xây dựng kế hoạch cho những dự án tiếp theo.

Cam kết ODA cho Việt Nam năm 2006 đạt 3,75 tỉ USD, năm 2007 là 4,45 tỉ USD, còn cho năm 2008 con số này là 5,426 tỷ USD. Đây là mức cam kết kỷ lục, nâng tổng giá trị ODA cam kết trong 2 năm 2006-2007 đạt gần 9,88 tỷ USD, bằng 49% dự báo cam kết vốn ODA cho cả thời kỳ 2006-2010.

Như vậy trong 5 năm gần đây Việt Nam liên tục đạt kỷ lục trong thu hút vốn ODA. Điều này chứng minh cho thực tế hiện nay Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với chính sách phát triển kinh tế. Hy vọng rằng với những nỗ lực chung, trong quý 2/2008 sẽ có thêm những chuyển biến tích cực trong thu hút vốn đầu tư ODA.

Công Lý
VNeconomy

    Tổng số lượt xem: 1024
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)