Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/03/2008-13:37:00 PM
Triển vọng kinh tế Việt Nam rất sáng sủa

Đó là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế quốc tế tại Hà Nội trong buổi họp báo công bố Báo cáo kết quả điều tra kinh tế-xã hội khu vực năm 2008 của Ủy ban Kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của LHQ (UNESCAP), sáng 27-3, tại Hà Nội. Báo cáo này vừa được công bố cùng thời điểm tại 20 địa điểm trong vùng cũng như ở Niu Y-oóc (Mỹ), Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) về kinh tế vĩ mô và một số lĩnh vực xã hội của khu vực.

Tăng trưởng 8,2% - Việt Nam dẫn đầu về tăng trưởng ở Đông Nam Á

Báo cáo khẳng định, năm 2007 là một năm thành công với nền kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và đầu tư cao (11,6%); tỷ giá hối đoái ổn định trong bối cảnh khó khăn; quỹ dự trữ ngoại tệ tăng lên. Đây là những bước phát triển tích cực có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, công nghiệp và dịch vụ là hai ngành góp phần lớn nhất vào tăng trưởng GDP, với mức tăng trưởng lần lượt là 10,6% và 8,7%. Theo dự báo của ESCAP, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 8,2% trong năm 2008, vẫn dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, do đầu tư tăng cao kết hợp với việc mở rộng khu vực công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, việc hội nhập sâu rộng vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thương mại quốc tế ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Lạm phát vẫn là mối quan ngại chính

Theo dự báo của UNESCAP, năm 2008 mức lạm phát ở các nước đang phát triển trong khu vực là 4,6%, giảm so với mức 5,1% trong năm 2007. Tuy nhiên đây vẫn là mối quan ngại chính của các quốc gia trong khu vực trong năm 2008. Theo Tiến sĩ Phạm Lan Hương, chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, mặc dù năm 2007 Việt Nam đã thắt chặt chính sách tiền tệ, song tỷ lệ lạm phát vẫn tương đối cao (12,6%). Nguyên nhân khiến lạm phát tăng là do giá lương thực và hàng hóa tăng cao. Chính sách ngân sách mở rộng và tín dụng tăng nhanh dường như đã làm cho sức ép lạm phát gia tăng. Thêm vào đó, các dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam gia tăng đáng kể (xấp xỉ 70%) đã gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát.

Chuyên gia kinh tế của UNESCAP, ông A-ma-ra-cun Ban-da-ra cho rằng, ở một khía cạnh nào đó lạm phát liên quan đến tăng trưởng, nhưng lạm phát không thể đồng hành cùng tăng trưởng. Vì thế chính phủ Việt Nam vừa phải kiềm chế lạm phát, vừa tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng.

Nông nghiệp giúp đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo

Báo cáo năm nay đã nêu một thực tế là do chưa chú trọng thật đúng mức tới ngành nông nghiệp ở một số nước đã khiến 218 triệu dân trong khu vực lâm vào tình trạng nghèo triền miên cũng như làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Với Việt Nam, nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trong những năm qua, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Song, việc chậm ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp; các ngành chế biến nông sản phát triển chậm; thiên tai liên tục hoành hành... sẽ là những yếu tố cản trở tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam.

Báo cáo của UNESCAP cho rằng, khôi phục và phát triển ngành nông nghiệp cần được coi là trọng tâm chính sách hiện nay của các quốc gia trong khu vực, nhất là Việt Nam, đất nước có lực lượng lao động nông nghiệp rất cao. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, năng suất nông nghiệp của Việt Nam đã tăng đáng kể trong những năm qua; song nó cần phải tiếp tục tăng lên nhiều hơn nữa để giúp đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo.

Cuối cùng UNESCAP cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần chú trọng giúp người dân ở xa đô thị tiếp cận nhiều hơn nữa với thị trường qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn; cung cấp và quản lý nước, khoa học công nghệ về nông nghiệp; tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ và đẩy nhanh tốc độ đa dạng hóa thương mại hóa. Và chỉ như vậy mới giúp tạo sự ổn định sâu rộng hơn nữa với những người gắn cuộc sống của họ với ruộng đồng.

Đình Hiệp
Hà Nội mới

    Tổng số lượt xem: 1342
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)