Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/06/2008-16:06:00 PM
92,6% số công ty Nhật Bản dự định mở rộng đầu tư tại Việt Nam
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố kết quả điều tra hàng năm về các công ty sản xuất của Nhật Bản đang hoạt động tại các nước và vùng lãnh thổ là: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan.

Cuộc điều tra đã nhận được trả lời của 1.745 công ty, trong đó lĩnh vực có số công ty tham gia nhiều nhất là: Phụ tùng ô tô xe máy, hoá chất, máy móc thiết bị điện - điện tử, kim khí, linh kiện phụ tùng điện điện tử, thương mại, vận tải, xây dựng, chứng khoán, đầu tư, các dịch vụ công nghệ.

Theo kết quả điều tra, 92,6% số công ty sản xuất của Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam dự định tăng vốn đầu tư, đa dạng hoá sản phẩm tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới, không có công ty nào dự định thu hẹp quy mô hay di chuyển đi nước khác.

Ông Hiroyuk Moribe, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam cho biết, Việt Nam sẽ là địa điểm thu hút đầu tư mới của Nhật. Các công ty ở nước ngoài cũng đánh giá Việt Nam là địa điểm sản xuất tốt nhất ở châu Á trong vòng 5 đến 10 năm tới với các ngành mục tiêu là máy móc thiết bị điện - điện tử, sản phẩm kim khí, linh kiện phụ tùng điện - điện tử và máy móc nói chung.

Các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam rất tin tưởng vào triển vọng kinh doanh năm 2008 do kỳ vọng doanh thu từ xuất khẩu tăng. Các công ty phi sản xuất của Nhật tại Việt Nam lại hy vọng doanh thu năm 2008 sẽ được cải thiện nhờ mở rộng thị trường ở Việt Nam.

Tuy nhiên, cuộc điều tra của JETRO cũng cho thấy, các vướng mắc trong kinh doanh tại Việt Nam của các công ty Nhật Bản phần lớn là chi phí tăng, đặc biệt là nhân công, giá đất công nghiệp, tiền thuê văn phòng và nhà ở. Theo JETRO, Hà Nội là thành phố đắt thứ 5 trong khu vực về giá văn phòng, còn TPHCM đặc biệt đắt đỏ về nhà ở đối với người nước ngoài. Bên cạnh đó, dù đã có sẵn cơ sở hạ tầng, cước vận chuyển từ Đà Nẵng vẫn quá cao so với vai trò là một đầu ra của Hành lang Kinh tế Đông Tây.

Cuộc điều tra cũng cho thấy, tỷ lệ hài lòng với địa điểm đầu tư hiện nay tại Việt Nam của các công ty Nhật đã giảm từ 75,4% năm 2006 (đứng đầu) xuống 41,7% năm 2007 (đứng thứ 5 trong 6 nước ASEAN), là mức sụt giảm lớn nhất trong số các nước và khu vực được điều tra - do Việt Nam khác các nước ASEAN về khả năng mua nguyên liệu phụ tùng trong nước và cơ sở hạ tầng kém phát triển; thủ tục hải quan phức tạp; khó tuyển dụng cán bộ quản lý cấp trung gian cho các ngành sản xuất và cán bộ kỹ thuật cho các ngành phi sản xuất...


TTXVN

    Tổng số lượt xem: 944
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)