Chiều 29/5/2008, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII, với trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo làm rõ thêm về một số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn liên quan đến Đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, một chủ trương lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhằm xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh , toàn diện, bền vững.
|
Qua thảo luận, đại đa số đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và tán thành với phương án mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội do Chính phủ trình. Tuy nhiên, cũng còn nhiều đại biểu băn khoăn về cách làm, phạm vi, quy mô, điều kiện và lộ trình triển khai Đề án.
“Chính phủ trân trọng tiếp thu những ý kiến rất trách nhiệm và xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng đã giải trình về 3 vấn đề lớn là: quá trình chuẩn bị phương án; lựa chọn quy mô mở rộng; lộ trình và các điều kiện thực hiện Đề án.
Đề án đã có quá trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đúng quy định
Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định Thủ đô Hà Nội là thủ đô đa chức năng, một mô hình thể hiện sự tiếp nối quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Điều đó cũng đòi hỏi Hà Nội cần được xây dựng và phát triển một cách toàn diện, xứng tầm là thủ đô của đất nước trong tương lai với quy mô dân số ổn định sẽ đạt khoảng 120 triệu người.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính để mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội như trong phương án đề xuất, chỉ phải trình ra lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp có liên quan. Hơn nữa, đây là công việc liên quan đến nhiều lĩnh vực nhạy cảm nên không thể đưa ra tham khảo ý kiến công khai rộng rãi khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện quy định của pháp luật và kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân của các tỉnh có liên quan đến việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội như phương án đã báo cáo với Quốc hội.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận thấy rằng trong Tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội chưa nói được hết quá trình chuẩn bị, việc phân tích về sự cần thiết và quy mô mở rộng địa giới cũng chưa thật đầy đủ. Điều đó đã được các vị đại biểu Quốc hội phân tích góp ý một cách xác đáng. Chính phủ đã nghiêm túc tiếp thu và có báo cáo bổ sung về quá trình nghiên cứu, sự cần thiết cũng như phân tích rõ hơn phương án lựa chọn mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.
Lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có nhiều ưu điểm nổi bật
Về những căn cứ đề xuất và lựa chọn phương án, Thủ tướng cho biết: Các cơ quan chức năng của Chính phủ đã đề ra 6 yêu cầu và 9 tiêu chí tổng hợp để làm cơ sở xây dựng và lựa chọn các phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Có 5 phương án được các chuyên gia đề xuất mở rộng Thủ đô Hà Nội về các hướng khác nhau trên địa giới hành chính của các tỉnh xung quanh Hà Nội. Theo hệ thống tiêu chí đã nêu, phương án 1 đã được lựa chọn với số điểm cao nhất, vì phương án này có nhiều ưu điểm nổi bật hơn.
Theo đó, địa thế của Hà Nội tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra dòng sông Hồng, Hà Nội sẽ luôn giữ được thế rồng cuộn hổ ngồi tiện hướng nhìn sông dựa núi; tiếp nối được giá trị khoa học và nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là luôn gắn môi trường sống của con người với môi trường cảnh quan thiên nhiên, đó cũng là xu hướng phát triển bền vững nhất mà nước ta cũng như các quốc gia trên thế giới đang hướng tới.
4 phương án còn lại không đáp ứng được yêu cầu phát triển của Hà Nội trong tương lai như điều kiện hạ tầng yếu kém, thiếu yếu tố không gian mở hoặc việc mở rộng có thể gây xáo trộn lớn về dân sinh và kinh tế.
Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, toàn diện, bền vững
Về thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội từ ngày 1/8/2008.
Hiện nay, trong phạm vi dự kiến mở rộng Thủ đô Hà Nội có hơn 300 đồ án, dự án đang được trình phê duyệt để triển khai. Nếu việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội chậm lại thì các dự án này hoặc sẽ phải dừng lại, hoặc nếu tiếp tục triển khai theo thẩm quyền của địa phương thì có thể sẽ không phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển Thủ đô trong tương lai, gây lãng phí lớn cho xã hội.
Về kinh phí cho việc hợp nhất các cơ quan của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây, Thủ tướng cho biết: Sẽ không phát sinh nhiều như các trường hợp chia tách vì không phải xây dựng thêm trụ sở, mua sắm, tài sản mới; cấp huyện, cấp xã sẽ được giữ nguyên.
Trên cơ sở quy hoạch và các dự án đầu tư được phê duyệt, sẽ xác định nguồn vốn cụ thể cần phải huy động cho từng thời gian, cho từng dự án. Đây là quá trình lâu dài, Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng và tổng hợp trình Quốc hội xem xét trong kế hoạch hàng năm và 5 năm.
Về cơ cấu hành chính, sau khi Hà Nội được mở rộng, việc tồn tại 2 thành phố Hà Đông và Sơn Tây sẽ có kiến giải phù hợp.
”Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào ở các khu vực khó khăn”, Thủ tướng khẳng định.
Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ sẽ khẩn trương xây dựng chương trình kế hoạch, tập trung sức chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết và hàng năm báo cáo kết quả với Quốc hội.