Báo cáo của Vụ Quản lý KCN-KCX ngày 21/12/2005
1. Tình hình quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp
Trong năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập mới 16 KCN gồm KCN Đại Đồng-Hoàn Sơn (Bắc Ninh); KCN Hòn La và KCN Tây Bắc Đồng Hới (Quảng Bình); KCN Giao Long (Bến Tre); KCN An Nghiệp (Sóc Trăng); KCN Nhơn Trạch 6 (Đồng Nai); KCN Sao Mai giai đoạn I (Kon Tum); KCN Tân Trường (Hải Dương); KCN Mai Trung, KCN Nam Tân Uyên, KCN Mỹ Phước II và KCN Rạch Bắp (Bình Dương); KCN Vĩnh Lộc 2 (Long An); KCN Long Đức (Trà Vinh); KCN Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình); KCN Trung Hà (Phú Thọ) với tổng diện tích đất tự nhiên là 3.001 ha.
Ngoài ra, có 4 KCN được Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng là KCN Phan Thiết (Bình Thuận), KCN Ninh Phúc (Ninh Bình), KCN Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam) và KCN Đình Trám (Bắc Giang) với tổng diện tích đất tự nhiên mở rộng là 386 ha. Tổng số KCN thành lập mới và mở rộng trong năm 2005 đạt 20 KCN với tổng diện tích tự nhiên 3.387 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 1.793 ha, chiếm 53% tổng diện tích đất tự nhiên. So với năm 2004, diện tích đất tự nhiên của các KCN thành lập mới và mở rộng trong năm nay chiếm 98,6%.
Tính đến tháng 12 năm 2005, cả nước có 130 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 26.517 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 17.727 ha, chiếm 67% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó 75 khu đã đi vào hoạt động và 55 khu đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản.
Về công tác xây dựng Quy hoạch phát triển KCN, kể từ khi những KCN và KCX đầu tiên được thành lập vào năm 1991 đến năm 1996, Quy hoạch phát triển KCN và KCX đến năm 2000 được xây dựng và phê duyệt tại các Quyết định số 519/TTg ngày 6/8/1996 và số 713/TTg ngày 30/8/1997 của Thủ tướng Chính phủ với 50 KCN và KCX. Do tình hình thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước tăng cao và mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển các KCN thời kỳ 2005 - 2020. Hiện tại, Đề án này đã được trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình số 6476/TTr-BKH ngày 13/10/2004 và được điều chỉnh tại công văn số 7916/BKH-KCN&KCX ngày 14/11/2005 với nhu cầu tiếp tục đầu tư đồng bộ, mở rộng các KCN đã thành lập và thành lập mới có chọn lọc thêm khoảng gần 30.000 ha KCN (nâng tổng số diện tích đất quy hoạch phát triển KCN lên trên 55.000 ha) với 142 KCN trong đó có 29 khu mở rộng diện tích.
2. Tình hình thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu công nghiệp
Trong năm 2005, các KCN đã thu hút được 305 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 1.821 triệu USD, chiếm khoảng 45% tổng số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký của cả nước. So với cùng kỳ năm trước, số dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN tăng 10% về số dự án và tăng 37% về số vốn đầu tư. Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là những địa phương thu hút được vốn đầu tư nhiều nhất trong cả nước (chiếm 65% về số dự án và 77% về vốn đầu tư nước ngoài mới vào các KCN của cả nước). Đặc biệt, trong năm 2005 đã thu hút được dự án thép không gỉ Qian Ding với tổng vốn đầu tư 700 triệu USD tại KCN Mỹ Xuân A, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Về tình hình tăng vốn trong năm 2005 có 359 dự án đầu tư nước ngoài tăng vốn với tổng số vốn đầu tư đăng ký tăng thêm đạt 1.032 triệu USD, chiếm gần 60% tổng số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng thêm của cả nước và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội thực hiện tăng vốn đầu tư nước ngoài mạnh nhất, chiếm hơn 3/4 tổng vốn đầu tư tăng thêm trong các KCN cả nước. Một số dự án tăng vốn với số vốn tăng lớn đóng góp đáng kể vào tổng vốn tăng thêm của cả nước như Công ty Canon đăng ký tăng thêm 60 triệu USD vốn đầu tư để sản xuất máy in LBP tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh, Công ty Toto tăng 52 triệu USD; Công ty Hoya Glass Disk tăng 55 triệu USD.
Như vậy, tính đến cuối năm 2005, tính chung cả vốn đầu tư nước ngoài cấp mới và tăng thêm vào các KCN, KCX đạt 2.853 triệu USD, tăng 23% so với năm 2004 - vượt mục tiêu đề ra trong năm về thu hút vốn đầu tư nước ngoài mới và tăng thêm vào các KCN, KCX.
Tính đến nay, các KCN đã thu hút được trên 4.400 dự án đầu tư (gồm 2.202 dự án đầu tư nước ngoài và 2.314 dự án đầu tư trong nước) với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 17,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và trên 100 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, chưa kể hơn 1 tỷ USD và 31,5 ngàn tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng các KCN, trong đó gần 2.400 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh và gần 900 dự án đang triển khai xây dựng nhà xưởng.
Nhìn chung, tình hình hoạt động và triển khai của các dự án trong KCN diễn ra nhanh và thuận lợi với xu hướng mở rộng hoạt động và xin tăng vốn của các doanh nghiệp KCN tiếp tục gia tăng. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp KCN (kể cả trong nước và nước ngoài) trong năm 2005 ước đạt khoảng 14 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2004, giá trị xuất khẩu đạt gần 6 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt 8 tỷ USD, nộp ngân sách tăng và đạt khoảng 650 triệu USD và thu hút khoảng 740 ngàn lao động trực tiếp (tăng 17% so với năm 2003).
3. Tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về KCN trong năm 2005
- Nghị định sửa đổi về quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất để thay thế Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã được các thành viên Chính phủ bỏ phiếu đồng ý thông qua và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện lần cuối gửi Văn phòng Chính phủ tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên do khi Bộ ta trình Đề án, dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đang trong quá trình trình Quốc Hội thông qua, nên việc thông qua Nghị định sẽ được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp sau khi hai Luật trên được thông qua.Tại Kỳ hop thứ 8, Quốc Hội khoá XI, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã được Quốc Hội bỏ phiếu thông qua. Do vậy, trong thời gian tới Đề án sẽ được tiếp tục hoàn chỉnh để trình Chính phủ
- Về Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển các KCN thời kỳ 2005 - 2020 đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tại tờ trình số 6476/TTr-BKH ngày 13/10/2004 và được điều chỉnh tại Tờ trình số 7916/BKH-KCN&KCX ngày 14/11/2005.
- Về việc chuyển KCN Dung Quất thành KKT Dung Quất, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Khu kinh tế Dung Quất, theo đó cho phép thành lập KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Cũng trong năm, Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép thành lập KKT Nhơn Hội, Bình Định (Quyết định số141/2005/QĐ-TTg ngày 14/6/2005); Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị (Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg ngày 12/01/2005); Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, tỉnh Kon Tum (Quyết định số 217/QĐ-TTg ngày 5/9/2005) và phê duyệt Quy hoạch Khu kinh tế vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 (Quyết định số 51/2005/QĐ-TTg ngày 11/3/2005).
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình Thủ tướng chính phủ về Chính sách ưu đãi cho Dự án công nghiệp kỹ thuật cao đầu tư ngoài Khu công nghệ cao (Tờ trình số 7698/TTr-BKH ngày 07 tháng 11 năm 2005).
- Về Đề án cơ chế kiểm soát các điều kiện ưu đãi của địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 395/BKH-KCN&KCX ngày 19/1/2005 về Đề án “Đánh giá việc ban hành chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương đối với KCN, KCX”.
- Đề án cho phép doanh nghiệp sản xuất trong KCN bổ sung chức năng cho thuê nhà xưởng đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại công văn số 3145/VPCP-QHQT ngày 8/6/2005.
4. Một số giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển các KCN và thu hút đầu tư vào các KCN
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh Nghị định sửa đổi Nghị định số 36/CP về Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao trên cơ sở Luật Đầu tư mới được Quốc Hội thông qua.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn để giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 164/2003/NĐ-CP và Nghị định 152/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng tạo sự công bằng và minh bạch về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở kinh doanh đã thành lập đầu tư dây chuyền sản xuất mới và cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư trong KCN.
- Danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư theo quy định tại Điều 37 - Nghị định 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 và 152/2004/NĐ-CP ngày 06/8/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần sớm được ban hành nhằm thống nhất trong xử lý các dự án thuộc diện này;
- Sớm ban hành cơ chế ưu đãi cho Doanh nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao đầu tư ngoài Khu công nghệ cao nhằm tạo cơ sở để áp dụng thống nhất chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao ngoài KCN đủ điều kiện.
- Cần có văn bản hướng dẫn chung về việc xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc trong các KCN, KCX.