Đến năm 2010, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ để có thêm 26 đặc sản địa phương về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (hay còn gọi là sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý).
|
Vải thiều Thanh Hà sẽ là một trong 26 đặc sản địa phương có chỉ dẫn địa lý
|
Trong số 26 đặc sản nông nghiệp địa phương sẽ được xem xét hỗ trợ có vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), chè San tuyết Mộc Châu (Sơn La), chè Tân cương (Thái Nguyên), chè suối Giàng (Yên Bái), sơ ri Gò Công (Tiền Giang), su su Sa Pa (Lào Cai).
Việc xây dựng căn cứ khoa học này giúp các nhà quản lý đưa ra tiêu chí cho việc sử dụng và quản lý quyền sở hữu trí tuệ về sản phẩm, mặt khác cũng giúp cho người tiêu dùng, định hướng và chủ động phân biệt được sản phẩm đáp ứng và không đáp ứng điều kiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đưa ra thị trường sẽ được quản lý chất lượng và các yêu cầu về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt. Sau khi triển khai thực hiện, các sản phẩm sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được thực hiện từ năm 2005 đến 2010, nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Cả nước hiện có 29 đặc sản nổi tiếng của hầu hết các địa phương đã được hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, chỉ dẫn địa lý như bưởi Đoan Hùng, hồi Lạng Sơn, nho Ninh Thuận, càphê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thận, nón lá Huế, hoa Đà Lạt, hồ tiêu Chư Sê, đá mỹ nghệ Non Nước, nước mắm Cát Hải./.