Báo cáo số 60/BC-UBND ngày 02/07/2009 của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2009.
I. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2009
Sáu tháng đầu năm, toàn tỉnh tập trung các hoạt động triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách nhà nước năm 2009 theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh; các hoạt động kỷ niệm mừng Đảng, mừng Xuân và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; tập trung thực hiện các nhóm giải pháp kích cầu của Chính phủ nhằm góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và khôi phục đà tăng trưởng...
Nhìn chung, với những nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội tỉnh nhà vẫn có những bước chuyển biến theo hướng tích cực trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, suy giảm kinh tế từng bước được kiềm chế, nhiều lĩnh vực vẫn tiếp tục tăng trưởng mặc dù không cao so cùng kỳ các năm trước; các lĩnh vực văn hoá xã hội và cải cách hành chính tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; trật tự an toàn xã hội và quốc phòng an ninh đều được đảm bảo...
Tuy nhiên, sự tác động sâu sắc của suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế tỉnh nhà, nhiều chỉ tiêu thực hiện qua 6 tháng đều đạt thấp so kế hoạch và so cùng kỳ, đặc biệt là các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế. Ước tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2009 đạt được như sau:
Chỉ tiêu
|
KH năm 2009
|
6 tháng đầu năm 2009
|
6 tháng đầu năm 2008
|
Tăng/giảm so mức tăng trưởng cùng kỳ
|
GDP (%)
|
14,0
|
5,0
|
13,05
|
-8,05
|
Khu vực Nông - Lâm – Thủy sản (%)
|
4,97
|
-2,35
|
7,45
|
-9,8
|
Khu vực Công nghiệp – Xây dựng (%)
|
22,84
|
4,93
|
15,45
|
-10,52
|
Khu vực Dịch vụ (%)
|
17,20
|
9,52
|
16,01
|
-6,49
|
1. Một số lĩnh vực cụ thể đạt được:
a. Khu vực nông - lâm - thủy sản:
- Sản xuất vụ Đông Xuân tiếp tục bội thu với năng suất, giá cả ở mức cao, người nông dân rất phấn khởi. Toàn tỉnh thu hoạch trọn vẹn 234.098 ha lúa vụ Đông Xuân (tăng 2.440 ha so vụ Đông Xuân 2008); năng suất bình quân đạt 7,16 tấn/ha (giảm 1,5 tạ/ha); sản lượng thu hoạch đạt 1,68 triệu tấn (giảm 17,5 ngàn tấn). Nguyên nhân sản lượng giảm là do một phần diện tích ở thời điểm xuống giống đầu vụ bị thiệt hại do mưa trái mùa, phải xạ và cấy dặm lại; và do chuyển đổi giống theo hướng sử dụng giống chất lượng cao phù hợp xuất khẩu, giảm diện tích sử dụng giống IR 50404 có năng suất cao nhưng không phù hợp xuất khẩu). Hoa màu thu hoạch 17.600 ha, nhờ thời tiết thuận lợi, cùng với việc tích cực chăm sóc, chuyển đổi giống có năng suất cao nên sản lượng đạt được cao so cùng kỳ (riêng sản lượng rau, dưa các loại tăng 9.250 tấn). Vụ Hè Thu đã xuống giống dứt điểm được 230.884 ha lúa (tăng 0,3% so cùng kỳ), đạt 101,5% kế hoạch. Dịch hại trên lúa giảm mạnh so cùng kỳ và được phòng trị kịp thời nên thiệt hại không đáng kể, ít ảnh hưởng đến năng suất. Dịch hại chủ yếu là rầy nâu, ốc bươu vàng, chuột, bệnh đạo ôn lá...
- Ngành thú y tiếp tục thực hiện công tác tiêm phòng, xông trùng vệ sinh tiêu độc tại các lò giết mổ và hộ chăn nuôi; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mỗ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát và quản lý tốt, không phát hiện gia súc, gia cầm chết, bệnh, nghi cúm, lở mồm long móng, tai xanh, mặc dù một số tỉnh, thành trong cả nước và khu vực có phát sinh. Các đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được duy trì ổn định, toàn tỉnh hiện có khoảng 3,8 triệu con gia cầm, giảm gần 14% so cùng kỳ, trong đó đàn gà 851 ngàn con, bằng 2,17 lần so cùng kỳ (tăng 459 ngàn con), đàn vịt gần 3 triệu con, giảm gần 27% so cùng kỳ; đàn heo (tính đến thời điểm 1/4/2009) có trên 180 ngàn con, tăng 3,1% so cùng kỳ (tăng 5.409 con); đàn trâu, bò ổn định khoảng 77 ngàn con, tăng 3% so cùng kỳ. Ước sản lượng thịt các loại thu hoạch trong 6 tháng đạt khoảng 17.810 tấn, tăng 4,6% so cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt heo đạt 13.409 tấn, tăng 8,7%.
- Diện tích rừng được chăm sóc và bảo vệ tốt, từ đầu năm đến nay không để xảy ra cháy rừng.
- Sản xuất thủy sản, đặc biệt là cá tra, ba sa tiếp tục trầm lắng mặc dù có nhiều thông tin khả quan mở ra triển vọng cho việc khôi phục và phát triển (như thông tin về khai thông thị trường xuất khẩu vào Nga; chất lượng sản phẩm cá xuất khẩu được khẳng định ở nhiều thị trường nước ngoài như Ai Cập, Italia, Tây Ban Nha...; Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL, trong đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT là Trưởng ban và Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang là một trong các Phó Ban chỉ đạo...). Khó khăn trong việc phát triển thủy sản hiện nay là nhiều diện tích nuôi còn tiếp tục treo, diện tích thả nuôi mới không đáng kể; các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh còn tồn đọng sản lượng chế biến khá lớn trong khi cả tỉnh chỉ có 01 doanh nghiệp là Việt An (công suất chỉ khoảng 6 ngàn tấn/năm) được phép xuất khẩu vào thị trường Nga; giá thức ăn cho cá tiếp tục tăng làm cho giá thành nuôi tăng cao trong khi giá bán ở mức thấp và rất bấp bênh làm cho nông dân thua lỗ thời gian dài, nguy cơ thiếu nguyên liệu trong những tháng sắp tới là rất lớn...
Ước tính diện tích đang nuôi chỉ khoảng 1.464 ha, giảm gần 9% so cùng kỳ (trong đó diện tích nuôi cá tra chỉ 1.118 ha, giảm 20%). Sản lượng thu hoạch 6 tháng đạt 173.560 tấn (giảm 16,4%), trong đó sản lượng cá tra, ba sa là 141.221 tấn (giảm 21,5%); sản lượng các loại cá khác là 32.337 tấn (tăng 17,05%).
- Công tác thủy lợi phục vụ tưới tiêu được tập trung triển khai. Đến nay, đã tổ chức thi công 6/8 công trình nạo vét kênh do tỉnh quản lý; đã phê duyệt thiết kế - dự toán 12 công trình, thẩm định 14 công trình trong tổng số 26 công trình chống hạn do cấp huyện quản lý; phê duyệt thiết kế - dự toán 08 công trình đê bao kiểm soát lũ. Tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng trạm bơm điện năm 2009, đến nay đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và giao mốc; đã triển khai lắp đặt 18/274 trạm biến áp.
- Mùa mưa bão năm nay đến sớm hơn mọi năm và gây nhiều thiệt hại đáng kể. Từ đầu năm đến ngày 05/6/2009, trên địa bàn tỉnh xảy ra 08 vụ mưa, giông, lốc, sét, làm sập 108 căn nhà; xiêu vẹo, tốc mái 829 căn nhà và 03 phòng học; gãy đổ 04 trụ điện; gãy 01 trụ đài Mobiphone; chìm 08 phương tiện thủy (ghe, sà lan); sập 01 cầu ván nông thôn và làm nhiều cây xanh, bảng hiệu bị gãy, đổ; làm sạt lở 1.772 m2 và phải di dời 15 hộ... Bên cạnh đó, giông và sét đã làm chết 04 người và làm bị thương 03 người. Các vụ việc xảy ra, lãnh đạo chính quyền địa phương đều có mặt kịp thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục thiên tai, kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ nhân dân sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống...
Ngoài ra, trong những ngày cuối tháng 4, hiện tượng mặn xâm nhập (đặc biệt ở khu vực xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn có nơi độ mặn lên đến 140/00), làm thiệt hại 3,5 ha lúa (do dân bơm nước vào tưới trước khi có thông báo mặn).
- Thực hiện chủ trương của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, UBND tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Chính phủ để triển khai thông qua việc đầu tư, hỗ trợ nông dân như hỗ trợ bơm rút nước xuống giống, hỗ trợ thiệt hại về giống do ảnh hưởng mưa bão của vụ Đông Xuân, hỗ trợ đầu tư đê bao, trạm bơm điện phục vụ sản xuất vụ 3. Phân công nhiều sở, ngành chuẩn bị nhiều dự thảo văn bản về cơ chế, chính sách để triển khai... góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn tỉnh.
b. Khu vực Công nghiệp - Xây dựng:
- Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhưng ở mức thấp, giá trị sản xuất (giá cố định) đạt 2.460 tỷ đồng, tăng 4,9% so cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ thực hiện 64 tỷ đồng, tăng 25,6%; công nghịêp chế biến 2.235 tỷ đồng, tăng 3,6% và công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước 162 tỷ đồng, tăng 13,3%. Sản phẩm tăng cao là cột bê tông các loại (tăng 43%), máy gặt xếp dãy (tăng 15,7%), điện thương phẩm (tăng 14%)... Một số sản phẩm chủ lực giảm so cùng kỳ là thủy, hải sản (giảm 26%), thức ăn gia súc (giảm 32%)...
6 tháng đầu năm, nhiều nhà máy được xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp và giải quyết việc làm ở địa phương, trong đó có các nhà máy chế biến thủy sản của Công ty An Mỹ (Cụm công nghiệp Phú Hòa - Thoại Sơn), Công ty Thuận An III, Công ty Cửu Long (giai đoạn 2), nhà máy chế biến lương thực của Tổng Cty Lương thực Miền Nam, nhà máy thức ăn gia súc của Cty Afiex.... Dự kiến từ nay đến cuối năm, sẽ tiếp tục có 07 nhà máy đi vào hoạt động tại khu công nghiệp Bình Long, Bình Hòa (kể cả các nhà máy nước), đây là cơ sở cho tăng trưởng công nghiệp năm 2009 và năm 2010.
- Hoạt động đầu tư xây dựng: Nhờ thực hiện sớm việc phân bổ chỉ tiêu kế hoạch đầu tư xây dựng thuộc các nguồn vốn nhà nước năm 2009, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và tiến độ giải ngân các công trình, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo sự thuận lợi, chủ động cho các chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện nên công tác đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Ước 6 tháng, toàn tỉnh đã giải ngân được 650 tỷ đồng (tăng gần 38% so số giải ngân cùng kỳ), chiếm 49% kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách địa phương; trong đó vốn cấp tỉnh giải ngân được trên 78%. Riêng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân được 444 tỷ đồng, đạt 87%....
* Một số chương trình, dự án trọng điểm:
Đề án mức chất lượng tối thiểu: toàn chương trình có 175 điểm với 991 phòng học, đến nay đã nghiệm thu hoàn thành 125 điểm với 521 phòng, chuẩn bị nghiệm thu 5 điểm 24 phòng, đang thi công 44 điểm 276 phòng, còn lại 5 điểm đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ.
Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giai đoạn 2: tổng số chương trình là 397 điểm với 2.109 phòng và 7.596 m2 nhà công vụ, đến cuối năm 2008, đã nghiệm thu 20 điểm, 92 phòng; đang thi công 86 điểm, 596 phòng, đang trong giai đoạn hồ sơ, thầu 7 điểm, 26 phòng. Kế hoạch năm 2009, đang chuẩn bị đầu tư 85 điểm, 463 phòng, 25 cổng rào và 2.700 m2 nhà công vụ.
Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2: đang trong giai đoạn triển khai thực hiện, đến nay các địa phương đã hoàn tất lập phương án bồi thường cho 42 cụm tuyến (quy mô diện tích 218,4 ha, dự kiến bố trí 11.262 nền, tổng mức đầu tư 406 tỷ đồng). Đến nay, đã triển khai thi công tôn nền 18 cụm, tuyến, đã hoàn thành 03 cụm, tuyến; các cụm, tuyến còn lại đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Khu công nghiệp: Dự kiến đến cuối năm 2009, tại 02 khu công nghiệp Bình Long và Bình Hòa có 07 nhà máy đi vào hoạt động (trong đó có 02 nhà máy cấp nước) với tổng vốn đầu tư khoảng 410 tỷ đồng (chưa kể 39,5 tỷ đồng do ngành điện đầu tư xây dựng Trạm biến áp 110/22KV - 40MVA). Khu công nghiệp Bình Hòa: Giai đoạn 1 đã hoàn chỉnh. Giai đoạn 2 đang thực hiện đầu tư hệ thống thoát nước mưa đạt tiến độ 86%, hệ thống giao thông đạt 15% khối lượng. Thực hiện san lấp mặt bằng giai đoạn 3 và 4 đạt 75%, theo tiến độ thì công tác san lấp sẽ hoàn thành trong tháng 9/2009. Công ty Cổ phần Xây dựng điện VNECO6 đã tổ chức lễ khởi công hạng mục công trình nâng cao tĩnh không đường dây 110 kv, đoạn đi ngang qua khu Công nghiệp. Công tác kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, từ đầu năm đến nay có thêm 02 nhà đầu tư đăng ký thuê đất trong khu công nghiệp (Cty Xây lắp An Giang thuê 4 ha và Cty TNHH Phước Thạnh thuê 02 ha). Đến nay, đã có 07 nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 575 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2009, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án của 03 doanh nghiệp khoảng 140 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động. Khu Công nghiệp Bình Long: Hạng mục hệ thống giao thông thi công đạt 70%, hệ thống thoát nước mặt đã cơ bản hoàn thành, đang tiếp tục hoàn thiện các hố ga; đã hoàn thành kè bờ sông Hậu bảo vệ khu công nghiệp. 03 nhà máy (cấp nước của Cty Điện Nước, chế biến thủy sản của Cty Hòa Phát và Cty Bình Long) đang tiếp tục được triển khai thi công. Dự kiến vốn đầu tư của 04 nhà đầu tư thực hiện tại Khu công nghiệp đến cuối năm 2009 khoảng 270 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 900 lao động. Khu công nghiệp Vàm Cống: đã hoàn thành công tác đo đạc, cắm mốc biên quy hoạch, thống kê số lượng nhà, vật kiến trúc trong khu vực quy hoạch; đang thực hiện cắm mốc biên quy hoạch Khu ở công nhân và tái định cư để chuẩn bị cho công tác khảo sát, thống kê nhà, vật kiến trúc phục vụ cho công tác lập hồ sơ mời thầu kêu gọi nhà đầu tư.
Khu kinh tế cửa khẩu: UBND tỉnh đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xác định lại vị trí, không gian và tên gọi Khu Kinh tế cửa khẩu An Giang theo góp ý của Bộ Xây dựng nhằm phù hợp với Quyết định số 65/2007/QĐ-TTg ngày 11/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Cửa khẩu Tịnh Biên: đã đưa vào hoạt động Khu thương mại từ ngày 22/01/2009, đến nay, đã có 41 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đầu tư là 350 tỷ đồng; trong đó, có 20 doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục và đã tổ chức bán hàng, giải quyết việc làm cho gần 500 lao động, chủ yếu là người dân ở địa phương. Đến giữa tháng 6/2009, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp đạt gần 77 tỷ đồng, với 167 ngàn lượt người mua hàng, số lượng khách ngoài tỉnh ngày càng tăng cao (trong tỉnh: 54%; khách ngoài tỉnh: 46%), bình quân doanh thu 537 triệu đồng/ngày và có gần 1.200 người mua hàng/ngày (riêng những ngày cuối tuần và ngày lễ có gần 3.500 - 5.000 người mua hàng/ngày). Hiện tại các siêu thị đã có trên 2.000 mặt hàng được bán và rất thu hút khách đến tham quan mua sắm. Khu Công nghiệp Xuân Tô đã tổ chức nghiệm thu phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng. Khu Thương mại - Dịch vụ và Vui chơi giải trí (mở rộng), đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch chi tiết. Bãi tập kết trung chuyển hàng hóa. Dự án Bãi đậu xe và dịch vụ giao thông đang khẩn trương thi công. Cửa khẩu Khánh Bình: đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung thị trấn Long Bình. Trạm Kiểm soát liên hợp Vĩnh Hội Đông, đang lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng. Cửa khẩu Vĩnh Xương: đã Quyết định phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường dự án đầu tư xây dựng Khu tái định cư, UBND huyện đang tổ chức công bố công khai và triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định. Khu Thương mại - Dịch vụ và Vui chơi giải trí (62 ha), đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị thông qua UBND tỉnh. Khu Thương mại - Dịch vụ và Dân cư đô thị Vĩnh Xương (39,02ha), UBND tỉnh giao cho Công ty Cổ Phần Chất lượng Vàng thực hiện đầu tư xây dựng, đến nay đã xong việc đo đạc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất phục vụ công tác thu hồi đất và đang xây dựng phương án bồi thường. Tuy nhiên, dự án này cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc như: phát sinh nhà xây dựng trái phép và cây trồng sau khi công bố quy hoạch, đã làm tăng giá trị bồi thường so với trước đây.
c. Khu vực Dịch vụ:
- Hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra sôi động nhờ tổ chức và khai thác tốt các lễ hội địa phương, các ngày lễ kỷ niệm lớn, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, lễ hội quốc gia Vía bà Chúa xứ Núi Sam, kết hợp khai thác tốt kinh tế biên giới qua Hội chợ Thương mại - đầu tư và du lịch cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, khu Thương mại Tịnh Biên với các siêu thị miễn thuế... Lượng khách tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh qua 6 tháng đạt trên 4,1 triệu lượt người, đạt trên 94% kế hoạch, tăng 14% so cùng kỳ; riêng lượt khách lưu trú đạt 182 nghìn lượt (giảm 3% so cùng kỳ), trong đó khách quốc tế lưu trú đạt 22,5 nghìn lượt (giảm 11%); doanh thu của các doanh nghiệp du lịch đạt 85,6 tỷ đồng (tăng 16%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước 6 tháng đầu năm đạt gần 12.900 tỷ đồng, tăng gần 10% so cùng kỳ. Trong tháng 6/2009, chỉ số giá cả hàng hóa và thị trường trên địa bàn tỉnh tăng 0,58% so tháng 5/2009, các mặt hàng tăng cao là vật liệu xây dựng, sắt thép, phương tiện đi lại do giá xăng dầu tăng... Tính chung 6 tháng đầu năm, tốc độ trượt giá ở tỉnh là 4,29% (cùng kỳ 2008 tăng 20,33%), đây là mức tăng thấp nhất so cùng kỳ của 4 năm trở lại đây.
Nhiều công trình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đang được tập trung đầu tư để đưa khai thác góp phần vào phát triển khu vực dịch vụ thời gian tới. Trong đó, Chợ Long Xuyên (dự kiến đưa vào khai thác cuối năm); Trung tâm Thương mại Nam Châu Đốc (đã hoàn thành, nhà đầu tư đang tính toán phương án khai thác để xác định thời gian đưa vào hoạt động), Siêu thị Tân Châu (dự kiến hoàn thành trong quý III/2009, hiện Cty Cổ phần Đầu tư phát triển Sài Gòn Co-op đang khảo sát thị trường, sức mua để thuê mặt bằng kinh doanh); Siêu thị Trưng Vương - Châu Đốc (tiến độ đạt 87% san lắp mặt bằng, hiện đang tiếp tục công tác giải tỏa, đền bù); Chợ khu dân cư thương mại Phú Tân (dự kiến đưa vào hoạt động ổn định từ cuối quý III/2009); Chợ Vĩnh Đông - Châu Đốc (đang chuẩn bị các bước để đưa vào khai thác); Trung tâm Thương mại Mỹ Xuyên...
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 275 triệu USD, đạt trên 32% kế hoạch năm, giảm 28% so cùng kỳ; các mặt hàng như gạo, cá và rau quả đông lạnh đều sụt giảm so cùng kỳ, trong đó gạo giảm 13% về lượng và 23% về kim ngạch; thủy sản giảm 27% về lượng và 29% về kim ngạch; rau quả đông lạnh giảm 63% về lượng và 51% về kim ngạch; riêng mặt hàng dệt may tăng 70% về lượng và 57% về kim ngạch.
d. Công tác thu hút đầu tư và đăng ký kinh doanh:
Tuy tình hình có nhiều khó khăn nhưng việc đăng ký đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân vẫn có xu hướng tăng so cùng kỳ về số lượng nhưng giảm về vốn đăng ký. Tính đến ngày 09/6/2009, toàn tỉnh có có 94 dự án đăng ký đầu tư (tăng 49% so cùng kỳ, tương đương tăng 31 dự án), không có dự án đầu tư nước ngoài đăng ký; tổng vốn đăng ký ban đầu là 6.734 tỷ đồng (giảm 21,6%, tương đương giảm 1.453 tỷ đồng). Trong 94 dự án đăng ký đầu tư, UBND tỉnh đã cấp Giấy Chứng nhận đầu tư cho 65 dự án (tăng 26 dự án) với tổng vốn là 1.209 tỷ đồng (giảm 1.441 tỷ đồng). Trong 65 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã triển khai đưa vào hoạt động 34 dự án với vốn 84 tỷ đồng, đang triển khai 23 dự án với vốn 787 tỷ đồng, chưa triển khai thực hiện 8 dự án với vốn 338 tỷ đồng.
Nguyên nhân, số vốn đăng ký giảm so cùng kỳ là do 6 tháng đầu năm 2009 không có dự án đầu tư nước ngoài đăng ký (do ảnh hưởng chung của tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu); số dự án đăng ký tập trung ở lĩnh vực đầu tư trạm bơm điện theo chính sách của tỉnh, nhưng dự án thuộc lĩnh vực này có qui mô vốn nhỏ (trung bình khoảng 500 triệu đồng/dự án). Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư với mức vốn thấp hơn 20 tỷ đồng để đạt tiêu chí là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm được hưởng các chính sách của Trung ương về giảm, giãn, hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, các chính sách về bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng.
Số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới tiếp tục tăng, với 442 doanh nghiệp (tăng 120 doanh nghiệp), với tổng vốn đăng ký 1.158 tỷ đồng (giảm 1.926 tỷ đồng). Cấp thay đổi, bổ sung 312 doanh nghiệp và 37 chi nhánh/văn phòng đại diện; thông báo giải thể 62 doanh nghiệp (so cùng kỳ số doanh nghiệp đăng ký giải thể gần gấp 3 lần, tương đương 21 doanh nghiệp). Nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh gần 4.613 với tổng vốn gần 13.974 tỷ đồng. Các huyện, thị, thành đã cấp đăng ký kinh doanh cho 3.256 hộ kinh doanh cá thể, với tổng vốn 517 tỷ đồng, thu hút gần 5.750 lao động. Tính chung, trên địa bàn các huyện, thị, thành hiện có 63.483 hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.026 tỷ đồng, thu hút khoảng 158.700 lao động.
đ. Tài chính - ngân hàng:
- Công tác thu chi, điều hành, quản lý ngân sách được đảm bảo và kịp thời. Mặc dù có nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế và phải thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, nhưng nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao của cán bộ, nhân viên ngành Thuế cùng các ngành, địa phương liên quan thực hiện tốt công tác tổ chức và phối hợp, tích cực tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp làm tròn nghĩa vụ thuế với nhà nước, thực hiện nhiều biện pháp thu thuế và thu hồi nợ đọng... nên các khoản thu chính trên địa bàn tỉnh đều đạt ở mức cao và tăng so cùng kỳ, phục vụ tốt các nhu cầu chi đột xuất, bức xúc, nhất là chi lương, hỗ trợ dịp tết, phòng chống dịch bệnh...
Tổng thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn đạt 1.492 tỷ đồng, đạt trên 53% dự toán năm và tăng 4,3% so cùng kỳ (trong đó thu nội địa tăng 4,8%, thu thuế xuất nhập khẩu giảm trên 21%). Nhiều khoản thu tăng khá so cùng kỳ như thu từ doanh nghiệp nhà nước tăng trên 75%, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 35%, thu phí xăng dầu tăng 22%, thu từ tiền cho thuê mặt đất, mặt nước tăng 119%, thu từ xổ số kiến thiết tăng 19%...
Tổng chi ngân sách địa phương 2.643 tỷ đồng, bằng 53% dự toán năm, tăng 26% so cùng kỳ, trong đó chi đầu tư xây dựng chiếm 48% (tăng 38% so cùng kỳ), chi thường xuyên chiếm 52% (tăng 20%).
- Qua kiểm tra, rà soát việc huy động đóng góp của nhân dân, trên địa bàn tỉnh hiện còn 09 loại huy động đóng góp từ nhân dân: Quỹ đền ơn đáp nghĩa; Quỹ Khuyến học; Quỹ vì người nghèo; Quỹ hỗ trợ nông dân; đóng góp làm đê bao chống lũ; đóng góp nạo vét kênh mương; đóng góp điện chiếu sáng; đóng góp đề án nhựa hóa, bê tông hóa giao thông khu dân cư và đường nông thôn; đóng góp đề án huy động sức dân đầu tư cơ sở hạ tầng (trước khi có Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân thì trên địa bàn tỉnh có 19 loại huy động, trong đó có 14 loại quỹ và 5 loại huy động đóng góp). Nhìn chung, các cơ quan đoàn thể và địa phương thực hiện việc huy động đóng góp từ nhân dân đều thực hiện đúng theo tinh thần Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg và tại Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn, các khoản huy động đều thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không giao chỉ tiêu, dự toán thu và sử dụng các nguồn vốn quỹ, huy động đúng mục đích. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương cấp xã thực hiện việc huy động bằng hình thức quy định (trên đầu công, trên hộ...). UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh.
- Công tác tín dụng ngân hàng tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh, nhất là qua các hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất theo chủ trương của Chính phủ. Tính đến 10/6/2009, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã huy động tại chỗ được trên 11.198 tỷ đồng (tăng 83% so cùng kỳ và tăng 27,5% so cuối năm 2008); tổng doanh số cho vay là 25.746 tỷ đồng (tăng 74% so cùng kỳ); tổng dư nợ gần 21.940 tỷ đồng (tăng 45% so cùng kỳ và tăng 29% so cuối năm 2008).
2. Tình hình và kết quả triển khai thực hiện các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ:
- Thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập hai Tổ tư vấn về đảm bảo an sinh xã hội và phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các giải pháp giúp Chủ tịch UBND tỉnh điều hành trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thời gian qua, hai Tổ tư vấn đã có nhiều tham mưu quan trọng giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành và có những đề xuất, kiến nghị kịp thời đến Chính phủ. Các chủ trương, chính sách của Chính phủ về kích cầu và đảm bảo an sinh xã hội được tỉnh triển khai kịp thời và tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, mang lại nhiều kết quả hết sức thiết thực, tích cực, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ gia đình được tiếp cận từ các chính sách của Chính phủ. Tính đến 11/6/2009, toàn tỉnh đã giải ngân hỗ trợ lãi suất theo các Quyết định của Chính phủ với dư nợ 7.770 tỷ đồng (với số lãi tiền vay đã hỗ trợ cho khách hàng gần 52 tỷ đồng), trong đó, dư nợ cho vay theo Quyết định số 131/QĐ-TTg với số tiền cho vay hỗ trợ lãi suất trên 7.570 tỷ đồng (số lãi tiền vay đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng là 51,6 tỷđồng); dư nợ cho vay theo Quyết định 443/QĐ-TTg với số tiền cho vay hỗ trợ lãi suất trên 206 tỷ đồng (số lãi tiền vay đã hỗ trợ lãi suất gần 220 triệu đồng); dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497/QĐ-TTg là 430 triệu đồng; đã có 25 doanh nghiệp được chấp thuận bảo lãnh vay với số tiền vay gần 138 tỷ đồng theo Quyết định 14/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách giảm, giãn, gia hạn nộp thuế, ngành Thuế đã giải quyết kịp thời việc giảm thu và giãn nộp thuế với số tiền trên 140 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cùng các ngành, các cấp chuẩn bị chu đáo các nội dung và kiến nghị kịp thời đến Chính phủ qua các Đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ.
3. Lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn:
- Năm học 2008 - 2009, ngành Giáo dục và Đào tạo chọn chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy; tăng cường các biện pháp hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và đổi mới quản lý tài chính”. Qua một năm thực hiện, đã có nhiều chuyển biến hết sức tích cực: kết quả phổ cập mẫu giáo 5 tuổi tiếp tục được giữ vững, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; tỷ lệ học sinh bỏ học đã chựng lại và bắt đầu có xu hướng giảm (tỷ lệ học sinh cấp tiểu học giảm 1,64%, trong đó bỏ học là 1,20% (cùng kỳ năm trước là 1,79%), tỷ lệ học sinh cấp THCS giảm 5,21%, trong đó bỏ học là 4,35% (cùng kỳ năm trước là 6,12%), cấp THPT giảm 6,19%, trong đó bỏ học là 5,36% (cùng kỳ năm trước là 5,84%); phương pháp nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục ngày càng đi vào chiều sâu, tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, giáo viên; các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong ngành tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh; cơ sở vật chất, đặc biệt là trang thiết bị dạy học tiếp tục được tăng cường đầu tư, ngày càng có nhiều trường học khang trang, đạt chuẩn; cơ chế quản lý giáo dục tiếp tục được quan tâm, đổi mới; các biện pháp cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quản lý, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ tiếp tục được tăng cường. Phong trào khuyến học, khuyến tài tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, tạo cơ hội cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành những người có ích cho xã hội.
Các hoạt động ôn tập, thi kiểm tra học kỳ, khen thưởng và xét lên lớp; chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông; tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông; tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009... đều được chuẩn bị và tổ chức thực hiện tốt. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng so năm trước (cấp THPT tăng 3,06%, cấp THCS tăng 4,72%, cấp tiểu học có môn tiếng Việt tăng 7,93%, môn toán tăng 3,79%). Kết quả thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT năm nay đạt thấp hơn năm 2008, trong đó hệ trung học phổ thông đạt 75,13% (năm trước cả 02 đợt là 85,97%), hệ Bổ túc THPT đạt 11,37% (năm trước cả 02 đợt là 29,62%); hoàn thành công tác chuẩn bị và tổ chức tuyển sinh vào lớp 10, năm nay toàn tỉnh có 21.243 hồ sơ đăng ký dự tuyển vào lớp 10 phổ thông, theo điều kiện cơ sở vật chất hiện có, dự kiến toàn tỉnh sẽ tuyển 77,15% hệ công lập, 4% hệ ngoài công lập (có 26 trường THPT công lập tổ chức thi tuyển, 21 trường THPT công lập thực hiện xét tuyển) và có gần 19% sẽ được tuyển vào học hệ giáo dục thường xuyên và học nghề ở các trường nghề. Số sinh viên hiện đang theo học tại các trường đại học trong và ngoài tỉnh thuộc các hệ đào tạo là 17.322, cao đẳng là 2.505, trung cấp chuyên nghiệp là 5.582, trung cấp nghề là 1.490, đạt tỉ lệ 116 sinh viên đại học, cao đẳng/10.000 dân.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xoá đói, giảm nghèo tiếp tục đạt nhiều kết quả. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 10.260 lượt người, đạt 38% kế hoạch năm và giải quyết việc làm cho trên 16.100 lao động, đạt 46% kế hoạch năm, trong đó có 5.600 lao động ngoài tỉnh và 14 lao động đi làm việc nước ngoài. Các hoạt động đầu tư, hỗ trợ cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc được các địa phương triển khai thực hiện tốt, nhất là các chính sách về bảo hiểm y tế; hỗ trợ về đất ở, nhà ở cho đồng bào dân tộc, hộ nghèo; đầu tư hỗ trợ theo chương trình 134, 135; hỗ trợ kịp thời các hộ gặp khó khăn, bị thiên tai... Đầu năm đến nay đã hỗ trợ 129 lao động là người dân tộc đi làm việc ngoài tỉnh, với số tiền 64,5 triệu đồng.
Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được tập trung thực hiện, dịch bệnh được kiểm soát. Tính đến 21/6/2009, toàn tỉnh có 781 ca mắc sốt xuất huyết, tăng trên 83% so cùng kỳ (không có tử vong, cùng kỳ tử vong 01); các dịch bệnh nguy hiểm không phát sinh. Công tác bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền, thể dục, thể thao được thực hiện tốt, phục vụ kịp thời nhu cầu về tinh thần và thông tin của người dân.
4. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh:
- Quan hệ đối ngoại, hợp tác với các tỉnh giáp biên giới tiếp tục phát triển tốt, việc gặp gỡ trao đổi giữa lãnh đạo các cấp, các ngành được duy trì ổn định và đạt hiệu quả cao, những vướng mắc phát sinh tại khu vực biên giới đều được giải quyết ổn thỏa. Đã phối hợp với Trung ương và phía bạn Campuchia tổ chức lễ khởi công cắm 02 cột mốc trên tuyến biên giới của tỉnh tại xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn) và xã Vĩnh Xương (huyện Tân Châu).
An ninh chính trị, trật tự an toàn – xã hội trong nội địa và khu vực biên giới đều được đảm bảo, góp phần ổn định xã hội, tập trung phát triển kinh tế.
- Công tác đảm bảo an toàn giao thông tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, kịp thời phân luồng, phân tuyến để hạn chế ùn tắc giao thông, nhất là trên địa bàn thành phố Long Xuyên, góp phần giảm bớt ách tắc giao thông mặc dù lượng khách đến An Giang tăng cao; các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và kịp thời xử lý người, phương tiện tham gia giao thông có hành vi vi phạm, nhất là trên các tuyến đường nông thôn. Kết quả đến ngày 10/6/2009, toàn tỉnh đã xảy ra 54 vụ tai nạn giao thông (giảm 1,9% so cùng kỳ), làm chết 60 người (tăng 1,7%) và làm bị thương 28 người (tăng 100%).
5. Công tác cải cách hành chính và điều hành quản lý nhà nước:
- Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, nhất là trong việc triển khai các chủ trương, chính sách kích cầu của Chính phủ nhằm đảm bảo cho mọi người dân, doanh nghiệp đều được tiếp cận và được hưởng lợi. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, các cấp. Tính đến nay, đã có 10/19 Sở, ban ngành cấp tỉnh ban hành danh mục giải quyết công việc theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông (gồm các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp & PTNT, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giao thông và Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư); đang tổ chức lấy ý kiến để ban hành danh mục giải quyết theo cơ chế một cửa tại UBND cấp huyện và cấp xã. Bên cạnh đó, công tác rà soát, thống kê các văn bản có liên quan đến thủ tục hành chính cũng được Tổ công tác Đề án 30 tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt, dự kiến đến cuối tháng 6/2009 sẽ công bố lấy ý kiến bộ thủ tục hành chính cấp huyện và cấp xã trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để chuẩn bị giai đoạn nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.
- Thực hiện hoàn thành công tác tổng điều tra dân số và nhà ở từ ngày 01/4/2009, sơ bộ toàn tỉnh có 523.662 hộ với dân số 2.130.368 người (số nam là 1.057.693 và nữ là 1.072.675). Hiện công tác này đang được nghiệm thu ở cấp huyện và chuẩn bị nhập tin, xử lý số liệu.
- Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế làm việc của UBND tỉnh An Giang (Quyết định số 01/2009/QĐ-UBND ngày 02/01/2009) thay thế Quy chế làm việc được ban hành năm 2006 (Quyết định số 26/2006/QĐ-UBND). Việc thực hiện quy chế làm việc mới đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cá nhân trong giải quyết công việc, mỗi việc chỉ một người phụ trách và chịu trách nhiệm; giải quyết công việc đúng phạm vi, thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
- UBND tỉnh kịp thời ban hành Chương trình công tác năm 2009 để chỉ đạo, điều hành trong năm 2009. Chương trình được xây dựng trên cơ sở các giải pháp của kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2009, định hướng của Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Chương trình có 226 đầu công việc, gồm 02 phần: phần thứ nhất có 159 đầu công việc, với 7 nhóm nhiệm vụ thể hiện các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp lớn để UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành và Sở, ngành, địa phương phải thực hiện trong năm; phần thứ hai là phụ lục kèm theo với 67 đầu công việc, bao gồm các Đề án, Kế hoạch, Quyết định, Chỉ thị... cần phải xây dựng để UBND tỉnh trình hoặc ban hành trong năm. Thực hiện Chương trình công tác, nhiều chủ trương, chính sách được UBND tỉnh ban hành đã tạo điều kiện cho các ngành, các cấp chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần vào những thành quả đạt được qua 6 tháng đầu năm 2009 trong điều kiện sự tác động suy giảm kinh tế toàn cầu tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Để đảm bảo thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định chuyển Trung tâm Tin học trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh về trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, với toàn bộ con người, chức năng, nhiệm vụ và cơ sở vật chất. Đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử của tỉnh với tên miền www.angiang.gov.vn thay thế trang Web của tỉnh trước đây. Hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 4/2009 hệ thống họp trực tuyến nhằm góp phần giảm bớt chi phí hành chính và thời gian đi lại của các địa phương.
- Phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chuẩn bị và tổ chức chu đáo các nội dung phục vụ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL diễn ra trên địa bàn tỉnh (MDEC An Giang 2009): Hội nghị Hợp tác Xúc tiến ĐBSCL được tổ chức tại Khu Du lịch Bến đá núi Sam - Châu Đốc (hội nghị thống nhất sẽ liên kết hợp tác xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư có hiệu quả cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; tổ chức Hội chợ chuyên đề về nông sản; tổ chức xúc tiến đầu tư theo từng nhóm các tỉnh có những nét tương đồng...); Hội thảo khoa học “Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL thời kỳ hội nhập”; Chương trình gặp gỡ và giao lưu giữa chính quyền và doanh nghiệp 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL với sinh viên trong và ngoài vùng ĐBSCL đang theo học tại các trường tại TP.HCM được tổ chức tại Tp. HCM; hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 20/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL đến năm 2010 được tổ chức tại Long Xuyên…
- Để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, 6 tháng đầu năm Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã luân chuyển, điều động và bổ nhiệm nhiều lãnh đạo sở, ngành, trung tâm trực thuộc UBND tỉnh và lãnh đạo UBND huyện, thị, thành phố; ra quyết định đổi tên Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch và Đầu tư thành Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư...
- Công tác hoà giải, tiếp và đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được UBND tỉnh và các ngành, các cấp thường xuyên quan tâm và việc thực hiện cũng đã đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Tình hình khiếu kiện trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm, chỉ còn tồn tại một số vụ cũ, kéo dài do đã trãi qua nhiều thời kỳ, sự thay đổi của nhiều chủ trương, chính sách; các vụ mới tuy có phát sinh nhưng đều được giải quyết kịp thời.
6 tháng đầu năm, toàn tỉnh nhận mới 3.675 vụ việc cần hòa giải (giảm 22% so cùng kỳ); đã tổ chức hòa giải thành 2.586 vụ trong tổng số 3.285 vụ được đưa ra hòa giải (đạt tỉ lệ 79%, giảm 5% so cùng kỳ). Các đơn vị Châu Đốc, Châu Thành, Tân Châu, Chợ Mới, Thoại Sơn có tỷ lệ hòa giải thành cao (trên 80%). Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải, UBND tỉnh đã ban hành và phân công trách nhiệm các ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án số 02/ĐA-UBND ngày 16/6/2009 về nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2009 - 2015, với mục tiêu củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy hòa giải ở các ngành, các cấp, nâng cao chất lượng công tác hòa giải theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Song song đó, toàn tỉnh nhận mới 2.355 đơn thư khiếu nại, tố cáo (tăng 10,6% so cùng kỳ 2008), đã xử lý 566 đơn do trùng lắp và không đúng thẩm quyền, nâng tổng số đơn phải giải quyết là 2.561 đơn (năm 2008 chuyển sang 772 đơn). Đến nay, đã giải quyết được 1.572 đơn, đạt tỷ lệ 61,4%; trong đó, 1.553 đơn thư khiếu nại, đạt tỷ lệ 61,6% số đơn thư thuộc thẩm quyền; 19 đơn thư tố cáo, đạt tỷ lệ 47,5% số đơn thư tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết đã khôi phục quyền lợi cho công dân 2.980 triệu đồng, 1,2 lượng vàng 24 kara, 08 nền nhà và 1.164 m2 đất thổ cư; thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 16,7 triệu đồng. Lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo Thanh tra tỉnh đã tổ chức 11 cuộc đối thoại với 104 người khiếu nại; lãnh đạo UBND huyện, thị, thành phố tổ chức 109 cuộc đối thoại với 234 lượt người khiếu nại.
- Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, từ đầu năm đến nay, ngành Thanh tra đã tổ chức 206 cuộc thanh tra với 2.889 đơn vị (trong đó có 64 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và 142 cuộc thanh tra chuyên ngành); đến nay đã kết thúc 175 cuộc. Qua kết quả thanh tra, có 303 đơn vị sai phạm, tổng số sai phạm về kinh tế là 3.716 triệu đồng, 205 nền nhà, 42.676 m2 đất; đã tổ chức thu hồi 694 triệu đồng, khiển trách 01 người, cảnh cáo 02 người, cách chức 01 người và buộc thôi việc 03 người.
- Bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, với sự tham mưu kịp thời của các ngành, các cấp, UBND tỉnh đã kịp thời kiến nghị, đề xuất đến Trung ương những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của tỉnh qua các buổi làm việc trực tiếp, các buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Trung ương, Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ đến thăm và làm việc với tỉnh, đã được Trung ương quan tâm và hỗ trợ kịp thời góp phần vào những kết quả đạt được hết sức tích cực, đặc biệt là việc Long Xuyên được công nhận là thành phố đô thị loại II; nhân dân và cán bộ huyện Thoại Sơn vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động" với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo từ năm 1999 đến năm 2008; An Giang được quyết định là một trong 04 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL; Chính phủ phê duyệt Đề án giải quyết khiếu nại tố cáo của tỉnh với kinh phí hỗ trợ thực hiện từ Trung ương hàng trăm tỷ đồng; nhiều nội dung trong Đề án tam nông cũng được Trung ương đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện thí điểm trên địa bàn tỉnh; khởi công sớm so kế hoạch đoạn Quốc lộ 91 (Châu Đốc - Tịnh Biên)...
II. Một số tồn tại, hạn chế
- Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tuy có tăng trưởng nhưng so với mục tiêu, chỉ tiêu đề ra từ đầu năm thì chỉ đạt ở mức rất thấp, nhất là các chỉ tiêu về tăng trưởng (chỉ mới đạt 5% so chỉ tiêu đặt ra là 14%), xuất khẩu đạt 31%, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 36%, giải quyết việc làm đạt 38%... trong khi tình hình sắp tới vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi cho phát triển như giá cả tăng cao, thiên tai, dịch bệnh, suy giảm kinh tế toàn cầu tiếp tục tác động mạnh mẽ vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, gây ra nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp, lĩnh vực tạo công ăn việc làm cho người lao động, xuất khẩu lao động, xoá đói giảm nghèo... Những kết quả trên sẽ ảnh hưởng bất lợi đến việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần VIII và kế hoạch 5 năm của tỉnh.
- Với những chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã giữ vững được ổn định sản xuất. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, nhất là nhiều quy định, thủ tục làm cho người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay; nhiều thông tin chưa kịp thời, nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm; việc nắm chính xác đối tượng lao động bị mất việc cũng phải mất nhiều thời gian điều tra, khảo sát nên việc hỗ trợ chưa kịp thời.
- Tình hình sản xuất 02 mặt hàng chiến lược của tỉnh là lúa và cá đang phát triển thiếu tính bền vững, giá cả và thị trường thiếu ổn định; cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay chưa tạo được tâm lý để nông dân an tâm sản xuất; Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long do mới được thành lập nên chưa có tác động thiết thực; đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách thích hợp để vực dậy nghề nuôi và chế biến cá tra, ba sa...
- Tình hình dịch bệnh, thời tiết đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là các dịch bệnh sốt xuất huyết, tả, cúm A (H1N1), cúm A (H5N1) và nhiều thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân do giông, lốc, sét, sạt lở gây ra.
- Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
- Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo tuy đã được tập trung giải quyết và mang lại một số kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều vụ việc kéo dài, bức xúc đã được giải quyết rất nhiều lần nhưng chưa được sự đồng thuận cao từ người khiếu nại.
III. Phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2009
Sáu tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục đối mặt với tình trạng suy giảm kinh tế, giá cả tăng cao, nguy cơ từ thiên tai, dịch bệnh, nhất là trong mùa mưa bão, đặc biệt là các dịch bệnh như sốt xuất huyết, cúm A H1N1... Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho sáu tháng cuối năm là tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các gói kích cầu của Chính phủ, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự - an toàn xã hội. Trên tinh thần đó, nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm còn lại là hết sức nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn từ hệ thống chính trị và nhân dân để đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2009 với những chỉ tiêu đã đề ra khá cao, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2010 và kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.
Một số nội dung trọng tâm cần tập trung:
1. Tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ, đảm bảo mọi đối tượng doanh nghiệp, người dân đều được tiếp cận và hưởng lợi từ các chủ trương, chính sách được ban hành, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao. Đặc biệt là các chủ trương, chính sách của Thủ tướng Chính phủ về: bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất đầu tư, tiêu dùng; hỗ trợ lãi suất cho các hộ vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm; hỗ trợ về thuế...
2. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở các ngành, các cấp, đảm bảo sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận các dịch vụ từ cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm từng bước thúc đẩy nhanh tiến trình Chính phủ điện tử, góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền. Thực hiện tốt kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.
3. Tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và xuất khẩu góp phần tăng trưởng GDP ở mức cao. Trong đó, tập trung khai thác, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch qua các lễ hội, du lịch Hè, kinh tế biên giới...; thúc đẩy phát triển sản xuất các mặt hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phục vụ tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu. Tăng cường xúc tiến, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng cá, gạo, rau màu... Tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp, trong đó, triển khai thực hiện tốt kế hoạch hành động về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh; tập trung chỉ đạo đảm bảo thắng lợi sản xuất vụ Hè Thu; khuyến khích mở rộng diện tích vụ 3 và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo sản xuất vụ 3 an toàn, thắng lợi; triển khai quy hoạch và phát triển nhanh diện tích trồng màu ở các địa phương có tiềm năng để xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu, tăng thêm kim ngạch và nâng cao đời sống bà con nông dân; chủ động phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2009.
4. Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn từ các nguồn vốn của Chính phủ và của tỉnh; đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm về phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, du lịch, các chương trình vốn Chính phủ về y tế, giáo dục, cụm tuyến dân cư, bệnh viện. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy tại các khu, cụm công nghiệp để sớm đưa vào hoạt động, tạo nguồn lực tăng trưởng cho khu vực công nghiệp.
5. Tiếp tục thực hiện có chuyển biến các lĩnh vực văn hoá - xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tăng cường các giải pháp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bỏ học của học sinh các cấp trong năm học mới.
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động và thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội; nắm bắt kịp thời các đối tượng, lao động cần hỗ trợ để có chính sách hỗ trợ kịp thời, giúp các đối tượng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Tập trung triển khai các chính sách về nhà ở cho sinh viên, công nhân và người có thu nhập thấp.
Tập trung triển khai các giải pháp cấp bách để phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây lan rộng trên người, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, cúm A H1N1, cúm A H5N1... Khẩn trương đối phó cúm A H1N1, trang bị ngay phòng cách ly, máy đo thân nhiệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu. Tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường công tác quản lý về tài nguyên và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Tăng cường thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến tận cơ sở và quần chúng nhân dân, đặc biệt là các Luật bắt đầu có hiệu lực, các chủ trương, chính sách kích cầu..., đảm bảo mọi đối tượng doanh nghiệp, người dân đều nắm bắt tốt các chủ trương, chính sách của Chính phủ, của tỉnh; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá các sự kiện diễn ra trên địa bàn để góp phần thu hút khách tham quan, du lịch.
6. Triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là chương trình 134, 135, chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn giai đoạn 2008 - 2010.
7. Tập trung công tác thu và chống thất thu thuế, đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu chi cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và điều hành, quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, nhất là trong tình hình tỉnh và địa phương đều hụt thu ngân sách do phải thực hiện các chủ trương, chính sách về miễn, giảm, giãn thuế... Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thu chi ngân sách ở các ngành, các cấp đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định. Thường xuyên kiểm tra, kiểm việc thu phí, lệ phí và các khoản huy động đóng góp từ nhân dân của các địa phương, đảm bảo các khoản đóng góp phải theo nguyên tắc thật sự tự nguyện, sử dụng đúng mục đích và được công khai. Thực hiện tốt kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước năm 2009. Tăng cường quản lý nhà nước về tín dụng - ngân hàng đảm bảo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về tiền tệ - tín dụng - ngân hàng của Chính phủ đạt hiệu quả cao nhất.
8.Tiếp tục đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh chính trị, an ninh biên giới, phòng chống tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nhất là trong các dịp lễ, hội. Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới. Tăng cường quản lý, kiểm soát về giá.
9.Tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc đầu tư, nâng cấp, phân luồng, phân tuyến đảm bảo sự thuận tiện, nhanh chóng, an toàn cho nhân dân khi tham gia giao thông. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp về an toàn giao thông theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, kể cả các tuyến đường bộ và đường thủy nhằm hạn chế thấp nhất mức thiệt hại về người, tài sản do tai nạn giao thông.
10. Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; đặc biệt là các khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án giải quyết khiếu nại tố cáo của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt.
11. Tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác phát triển với các tỉnh giáp biên giới (Kandal và Takeo của Vương quốc Campuchia); tiếp tục triển khai thực hiện tốt kế hoạch phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới.
12. Tập trung xây dựng hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ./.
Website UBND tỉnh An Giang