|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận, tháo gỡ vướng mắc, định hướng phát triển cho vùng KTTĐ ĐBSCL
|
Những vấn đề chính được tập trung thảo luận, quyết định tại Hội nghị là thiết lập, triển khai các tiền đề hạ tầng cơ sở, nhân lực, giải pháp tăng cường cạnh tranh sản xuất để thúc đẩy, phát huy lợi thế các tiềm năng, thế mạnh của Vùng là nông nghiệp, thủy hải sản, trồng cây ăn trái và du lịch.
Hạ tầng – thiếu và yếu
Theo báo cáo từ Văn phòng Ban chỉ đạo, trong giai đoạn 2006 - 2008, tốc độ tăng trưởng của 4 địa phương trong Vùng (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau) đạt bình quân 13,57%/năm, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng và sản lượng của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản luôn dẫn đầu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,8 tỷ USD/năm, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 680 USD/năm.
Cơ cấu ngành kinh tế của vùng đã có sự chuyển dịch, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Bước đầu đã hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp lớn với 3 Trung tâm điện lực Ô Môn, Cà Mau, Kiên Lương, các mỏ khí Tây Nam, các KCN Trà Nóc, Hưng Phú, Khánh An, Vàm Cống, các Khu kinh tế cửa khẩu sôi động Tịnh Biên, Hà Tiên,...
|
Đại diện các địa pương phân tích các điểm yếu để tháo gỡ phát triển kinh tế xã hội vùng KTTĐ |
Thực trạng phát triển này được hầu hết các ý kiến trong Hội nghị đánh giá là vẫn còn thấp và chưa xứng với tiềm năng cũng như vai trò của Vùng. Nhiều nguyên nhân được liệt kê, trong đó nổi lên vấn đề kết cấu hạ tầng – tiền đề quan trọng trong phát triển KT-XH của Vùng còn rất thiếu và yếu.
Theo ý kiến của đại diện các Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng cũng như các địa phương, hệ thống đường bộ, đường thủy hàng không cũng như hạ tầng đô thị, điện, nước, thủy lợi trong Vùng dù đã được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp kém.
Điển hình như tại Cần Thơ, hệ thống đường – cầu vẫn không theo kịp tốc độ và nhu cầu phát triển. Tuyến đường thuỷ độc đạo vận tải hàng hoá từ miền Tây lên thành phố Hồ Chí Minh qua kênh Chợ Gạo thường xuyên bị quá tải nghiêm trọng. Tại ĐBSCL, mỗi năm có nhu cầu xuất nhập khẩu khoảng 12 - 13 triệu tấn hàng hoá nhưng 13 cảng chủ lực trên sông Hậu chỉ đáp ứng 30% nhu cầu. Còn lại phải trung chuyển qua các cảng ở thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ, tăng chi phí vận chuyển 7 - 10 USD/tấn.
Nhìn chung, hệ thống giao thông trong Vùng hiện chỉ mới ở việc nối dài, mở rộng, gắn vào hệ thống cũ chứ chưa có được một hệ thống giao thông phù hợp nền kinh tế thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, cũng còn những yếu ngay ở những ngành kinh tế mũi nhọn của Vùng. Do tính liên kết và kết nối chưa thực sự tốt, hai mặt hàng chiến lược là lúa và thủy hải sản đang phát triển thiếu tính bền vững, giá cả và thị trường còn thiếu ổn định. Việc nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao cũng còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là công tác đào tạo, chuẩn bị một nguồn nhân lực trình độ, chất lượng cao của Vùng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
|
Toàn cảnh Hội nghị giao ban
|
Tháo gỡ 3 “nút thắt”, tạo tiền đề cho 2 định hướng
“Có 2 định hướng và tiềm năng lớn mà cả 4 địa phương trong Vùng cần chú trọng, đó là triển khai các dự án công nghiệp tập trung với các cụm CN khí – điện, xi măng và phát triển sản xuất nông nghiệp – thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Đối với sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản, Vùng cần thiết lập được kênh lưu thông chủ lực nhằm tạo hiệu quả cao và khắc phục tính tự phát, thiếu ổn định của thị trường hiện nay. Riêng mặt hàng gạo xuất khẩu, việc tiêu thụ cần rút kinh nghiệm, triển khai tốt hơn nữa phương thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa DN với nông dân, quy định chế độ trách nhiệm giữa DN với chính quyền cơ sở và HTX. Với sản phẩm cá tra, cần thực hiện tốt công tác quản lý giống, nguyên liệu đầu vào và đặc biệt là chế độ VSATTP và thông tin, thống kê dự báo, xây dựng điều lệ chung để điều phối thị trường, không để tình trạng hàng kém chất lượng hoặc phá giá thị trường.
|
Phó Thủ tướng cho rằng, giao thông, thủy lợi, nhân lực là 3 khâu yếu mà các địa phương cần hết sức chú trọng đầu tư để tạo tiền đề cho 2 định hướng nói trên.
Vì vậy, trước hết các địa phương phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo đánh giá, xác định lại cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững của mình. Đặc biệt là công tác quy hoạch, rà soát, hiệu chỉnh kế hoạch phát triển theo sự hình thành, phát triển Vùng. Từ đó có những kế hoạch triển khai, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục những điểm yếu này.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ Vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất nâng mức hỗ trợ tập trung cho các ngành mũi nhọn, các khu kinh tế cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn, đặc biệt là ODA và vốn xã hội, ưu tiên cho các dự án xử lý chất thải rắn, cấp, thoát nước.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát, lập các chương trình đào tạo nghề, giới thiệu lao động cho các doanh nghiệp.
Bộ Công thương rà soát quy hoạch điện lực, chủ trì xây dựng các đề án chuyên đề về điện, khí vốn có nhiều tiềm năng của Vùng.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đẩy nhanh các dự án trọng điểm trong khu vực như cầu Cần Thơ, quản lộ Phụng Hiệp, Nam Sông Hậu, QL 91, dự án đường sắt...
Theo nội dung được phê duyệt tại Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16/4/2009, Vùng KTTĐ ĐBSCL gồm 4 địa phương là thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Diện tích toàn Vùng là 16.616 km2, dân số 6,4 triệu người.
Mục tiêu xây dựng Vùng KTTĐ ĐBSCL trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng ĐBSCL giàu mạnh. Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2009 - 2010 đạt gấp 1,2 lần và thời kỳ 2011 - 2020 gấp 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước đạt 11,6% năm 2010 và 13,3% năm 2020.
|
|