Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/07/2009-10:53:00 AM
M&A trở thành một phần văn hóa kinh doanh ở Việt Nam

Ông Stephen Gakill, chuyên gia về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) của Công ty kiểm toán PriceWaterhouseCoopers đánh giá, qua các giao dịch năm nay cho thấy xu hướng M&A vẫn tiếp tục là một phần quan trọng của nền kinh tế và trở thành một phần của văn hóa kinh doanh ở Việt Nam.
Hoạt động M&A ở Việt Nam được khởi động từ năm 2000. Năm 2007, tại Việt Nam đã có 113 thương vụ M&A thành công với tổng giá trị lên tới gần 1,8 tỷ USD, được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2008, hoạt động này gia tăng theo hướng tích cực, cho dù tổng giá trị mua bán thấp hơn năm 2007 với 146 giao dịch và đạt tổng giá trị hơn 1 tỷ USD.
Ông Stephen Gakill đã phát biểu như vậy tại Hội thảo quốc tế về M&A ở Việt Nam, do Báo Thế giới & Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức, với sự phối hợp và tư vấn của Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ, Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản, Eurocham, Công ty Kiểm toán PriceWaterhouseCoopers. Hơn 200 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã tham dự hội thảo.
Cuộc hội thảo đã có các phiên họp bàn về các nội dung cụ thể như pháp lý quốc tế về M&A và tổng quan M&A tại Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích và quản lý M&A; triển vọng thị trường M&A trong hai năm tới; kinh nghiệm cụ thể của các doanh nghiệp đã thực hiện thành công M&A tại Việt Nam.
Các tham luận tại hội thảo nêu rõ, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đang tìm đến giải pháp M&A để cấu trúc lại doanh nghiệp nhằm thích ứng với tình hình hậu khủng hoảng hoặc tránh bị phá sản trong điều kiện khắc nghiệt hơn.
Các tham luận đã cung cấp thông tin và kiến thức cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài xâm nhập thị trường và kinh doanh hiệu quả hơn ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh, cùng với việc khuyến khích và tạo những cơ hội thuận lợi cho hoạt động đầu tư thông qua M&A cũng cần thiết phải có sự giám sát, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay để đảm bảo tính hiệu quả của các giao dịch cũng như duy trì một môi trường cạnh tranh lành mạnh./.

TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1281
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)