|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Kinh doanh, doanh nghiệp và cải cách Anh - Ảnh Chinhphu.vn
|
Các hoạt động của Đoàn Việt Nam, đặc biệt là của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhận được sự hoan nghênh, đánh giá cao của Ban Tổ chức cũng như đông đảo đại biểu.
Với mức tăng trưởng trên 6% và thu hút trên 60 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư trực tiếp trong năm 2008, Việt Nam được Hội nghị đánh giá là điểm sáng về thu hút đầu tư của khu vực.Lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn bày tỏ chia sẻ và ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua; tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm tới; khẳng định vẫn tiếp tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam bất chấp bối cảnh khủng hoảng chung của kinh tế toàn cầu.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường cho biết 5 mục tiêu của hội nghị lần này bao gồm:
Hỗ trợ các chính phủ, đặc biệt là chính phủ các nước đang phát triển thuộc nhóm G 20 đối phó với các nguy cơ của hệ thống tài chính để ổn định và tăng trưởng kinh tế;
Thảo luận một cách tổng thể và hệ thống về các nguy cơ của năm 2009;
Định hình các thể chế hợp tác toàn cầu cho phép xử lý các thách thức một cách chủ động hơn;
Xác định rõ hơn các giá trị đạo đức làm nền tảng cho hoạt động kinh tế, thương mại;
Xây dựng lại kinh tế toàn cầu.
|
Trong thời gian từ 28-31/1/2009, Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã tham dự 8 phiên họp, 14 hoạt động song phương và tham gia đối thoại với các doanh nghiệp quan tâm tới Việt Nam.Đặc biệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tham dự Phiên họp hẹp giữa các Nhà Lãnh đạo Kinh tế thế giới (IGWEL); tham gia chủ trì Phiên thảo luận về chủ đề “Lực lượng lao động - giải quyết thách thức về việc làm”; phát biểu tại phiên làm việc về vấn đề giáo dục; dự Bữa ăn tối giữa các Nhà Lãnh đạo ASEAN do Hoàng tử Anh tổ chức; gặp Tổng Thư ký OECD; tiếp xúc với Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Kinh tế Thuỵ Sỹ; Phó Thủ tướng Australia; gặp Giám đốc điều hành WEF và tiếp lãnh đạo 9 tập đoàn/trường đại học lớn gồm:Prudential, Intel, Sicpa, Vina Capital, ManPower, Caden Corporation, Standard & Chatered Bank, Havard, MIT.
Thông qua các phát biểu và trao đổi trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu bật các thành tựu kinh tế, xã hội của Việt Nam trong năm 2008, đặc biệt là việc xử lý thành công lạm phát, nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện cải cách hành chính, chống tham nhũng nhằm xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và minh bạch; khẳng định Việt Nam quyết tâm thực hiện đầy đủ các cam kết gia nhập WTO.Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam dành quan tâm đặc biệt cho đào tạo nhân lực, coi đó là khâu then chốt cho phép nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Việt Nam đã và sẽ sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề.Trong tiếp xúc với Giám đốc điều hành WEF Borge Brende, Phó Thủ tướng đã khẳng định Việt Nam có đầy đủ điều kiện và sẵn sàng phối hợp với WEF tổ chức Hội nghị WEF Đông Á tại Việt Nam vào 2010.
Kết thúc chương trình làm việc tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ tiếp tục dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam thăm làm việc tại Thụy Sỹ và Phần Lan.
Trên 2500 đại biểu, trong đó có 41 vị đứng đầu Nhà nước/Chính phủ, 30 vị lãnh đạo các tổ chức quốc tế, trên 1400 chủ tịch, giám đốc của khoảng 1000 tập đoàn hàng đầu thế giới và đông đảo đại diện các tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo, giới học giả, báo chí đã thảo luận một cách hệ thống và sâu sắc về nguyên nhân, tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu tới mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục cũng như các biện pháp đối phó khủng hoảng.
|
|