Ngày 24-7, tại Hà Nội, Bộ Công thương và bảy tỉnh biên giới phía bắc đã họp bàn biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường trọng điểm của nước ta. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều tăng nhanh: năm 1991 mới có 37,7 triệu USD nhưng đến năm 2008 đạt gần 20,2 tỷ USD. Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2008, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thứ ba của Việt Nam với kim ngạch 4,536 tỷ USD và là thị trường nhập khẩu đứng đầu với kim ngạch 15,652 tỷ USD. Sáu tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt 1,97 tỷ USD, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc giá trị 6,9 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 7,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nhưng chỉ chiếm gần 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc.
Về buôn bán qua biên giới, trong những năm gần đây, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc qua bảy tỉnh biên giới phía bắc có tăng nhưng không đáng kể. Năm 2008 đạt giá trị 1,810 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 39,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc của cả nước. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương phần lớn doanh nghiệp Việt Nam buôn bán biên mậu không có hợp đồng, thỏa thuận chính thức, dễ bị đối tác bên Trung Quốc ép cấp, ép giá. Từ nhiều năm nay, doanh nghiệp Việt Nam thiếu quan tâm tìm hiểu các chính sách quản lý biên mậu của nước bạn, thụ động trong khâu nắm bắt chính xác những thông tin về thay đổi trong chính sách quản lý của Trung Quốc... Các cơ quan chức năng trong nước thiếu phối hợp trong công tác xử lý các hàng rào kỹ thuật; các thỏa thuận về kiểm nghiệm, kiểm dịch song phương không được tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ đến doanh nghiệp Việt Nam. Nhất là, tình hình buôn lậu vẫn xảy ra gây nhức nhối cho cả hai bên.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lưu ý: Ðể đẩy mạnh quan hệ thương mại, nhất là buôn bán biên giới như thỏa thuận của Chính phủ hai nước, phía Việt Nam sẽ chủ động và rà soát lại các văn bản đã ký kết, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung tìm sự đồng thuận của nước bạn. Bộ Công thương cùng các ban, ngành nghiên cứu các kiến nghị từ địa phương, đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc thù cho hoạt động biên mậu, cho các khu kinh tế đã và sẽ được mở tại các tỉnh biên giới; quy hoạch thống nhất các loại hình cửa khẩu trên cơ sở thống nhất với nước bạn để tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở, trong đó có hạ tầng thương mại. Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại các tỉnh biên giới, cung cấp nhanh chóng thông tin thương mại của Trung Quốc cho doanh nghiệp trong nước. Bộ Công thương sẽ phối hợp các ngành tài chính, ngân hàng để tìm nguồn vốn đầu tư cho các cửa khẩu, nâng cao hiệu quả phương thức thanh toán biên mậu...
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đề nghị các địa phương năng động, chủ động xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở tăng cường đầu tư vào năng lực sản xuất và tạo thuận lợi cho mọi doanh nghiệp cả nước tham gia/.