(MPI Portal) – Trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ chuẩn bị và thực hiện kế hoạch hoạch phát triển kinh tế - xã hội dựa trên kết quả giai đoạn 2011-2015”, ngày 11-12/6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hội thảo Tham vấn tiêu chí đánh giá Chương trình đầu tư công do ADB tài trợ.
|
Ảnh: Internet
|
Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị và thực hiện kế hoạch hoạch phát triển kinh tế - xã hội dựa trên kết quả giai đoạn 2011-2015” nằm trong chương hợp tác kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam và ADB, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với ADB triển khai Dự án này.
Mục đích Hội thảo nhằm giới thiệu Bộ tiêu chí đánh giá Chương trình đầu tư công để cải thiện hiệu suất và hiệu quả công tác lập kế hoạch và hệ thống đánh giá Chương trình đầu tư công. Đồng thời, Hội thảo nhằm tham vấn cán bộ phụ trách hoặc có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực lập, thẩm định, quản lý các chương trình dự án đầu tư công tại các tỉnh miền Bắc về khung và tiêu chí đánh giá đầu tư công.
Sự cần thiết của việc xây dựng tiêu chí
Đầu tư công là yếu tố then chốt đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khi Việt Nam định hướng đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra. Bên cạnh đó, đầu tư công đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; sự phát triển kinh tế - xã hội và bền vững môi trường; xóa đói giảm nghèo; an sinh xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Hệ thống quản lý đầu tư công của Việt Nam đã từng bước đổi mới, nhưng hiệu quả và hiệu suất thấp, chưa mang lại những kết quả tích cực (bao gồm cả kết quả trực tiếp và tác động). Bên cạnh đó, Việt Nam thiếu một bộ tiêu chí đánh giá khách quan, khoa học và cụ thể cho từng loại hình chương trình dự án; Hệ thống luật pháp về quản lý, theo dõi và đánh giá đầu tư công vẫn còn thiếu đồng bộ. Do đó, cần thiết phải xây dựng một quy trình tiêu chí đánh giá mạch lạc và toàn diện từ quan điểm về đầu tư: lập kế hoạch, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt chương trình dự án; triển khai thực hiện, cho đến vận hành chương trình dự án đầu tư công. Xuyên suốt tất cả các khâu của qui trình quản lý hoạt động đầu tư công, vấn đề theo dõi và đánh giá được xem là một trong những khâu quan trọng, cần được củng cố bằng các giải pháp khách quan và mang tính khoa học.
Để giải quyết các hạn chế của quá trình đầu tư công, Chính phủ - thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần ban hành các tiêu chí đánh giá chính cùng với các khái niệm và hướng dẫn áp dụng cụ thể. Các tiêu chí này nên phù hợp với những tiêu chuẩn và thông lệ tốt nhất trên thế giới hiện nay.
Hệ thống đánh giá của chương trình đầu tư công
Các tiêu chí chính để đánh giá dự án gồm: tính phù hợp, tính hiệu quả, tính hiệu suất và tính bền vững. Cụ thể, tính phù hợp nhằm đánh giá sự hợp lý của chương trình dự án tại thời điểm thiết kế và thời điểm tiến hành đánh giá. Tính hiệu quả nhằm đánh giá thời gian cần thiết để thực hiện dự án, chi phí phát sinh, tỷ lệ giải ngân, tỷ lệ sử dụng vốn, tỷ suất nội hoàn trên tổng đầu tư về mặt tài chính, kinh tế, hoặc hiệu suất chi phí/chi phí của các phương án thay thế (khi lợi ích dự án không lượng hóa được).
Tiêu chí tính hiệu suất đánh giá mức độ đạt mục tiêu hoặc kết quả trực tiếp dự kiến của đầu tư (như giảm chi phí, kiểm soát dịch bệnh, cải thiện sức khỏe trẻ em…). Trong khi đó, tính bền vững xác định rủi ro và biện pháp giảm thiểu, khả năng duy trì liên tục các đầu ra của chương trình dự án, chi phí vận hành, bảo dưỡng. Khía cạnh thường được đánh giá nhiều nhất là tính bền vững về tài chính.
Hội thảo được nghe đại diện của ADB trình bày các tiêu chí đánh giá dự án đầu tư công gồm: biên độ xếp hạng kết quả đầu tư; Thang điểm và phân bổ trọng số cho các tiêu chí chính trong các hình thức đánh giá; Trọng tâm đánh giá; Chi tiết qui trình tính điểm, gán trọng số và xếp hạng các dự án đầu tư. Kết quả đánh giá (điểm số) sẽ được nhập bảng dành cho từng dự án đầu tư.
Các hình thức đánh giá dự án gồm: Đánh giá lựa chọn dự án đầu tư (hay còn gọi là thẩm định dự án); Đánh giá giữa kỳ (Đánh giá toàn diện tất cả các nội dung: rà soát việc thực hiện dự án từ khâu ra quyết định đầu tư, dự toán ngân sách, thu xếp nguồn vốn/nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu, tính phù hợp tiếp tục của các nội dung trong dự án; Đánh giá kết quả thực hiện khối lượng công việc và tiến độ giải ngân; Đánh giá tiến trình hướng tới việc đạt được các đầu ra, kết quả trực tiếp và mục tiêu theo kế hoạch. Nhận định về Khung theo dõi theo kết quả, hệ thống báo cáo; Kết quả triển khai đánh giá sử dụng Bộ tiêu chí đánh giá chính và thang điểm đánh giá; Xác định các tồn tại để điều chỉnh và kiến nghị); Đánh giá kết thúc (đánh giá kết quả thực hiện dự án tại thời điểm kết thúc (khi hoàn thành quá trình triển khai thực hiện dự án).
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tham luận, đưa ra gợi ý và phản hồi về khung và cách thức áp dụng các tiêu chí đánh giá chính, tiêu chí thành phần, chỉ số, thang điểm và xếp hạng đối với các dự án đầu tư công tại những thời điểm đánh giá khác nhau của quy trình quản lý Chương trình đầu tư công./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư