Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/06/2014-18:15:00 PM
Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

(MPI Portal) – Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tập trung vào một số ngành công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu; Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; Khuyến khích phát triển dân doanh, đầu tư nước ngoài; thúc đẩy phát triển bền vững khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp là điều kiện quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển công nghiệp theo các chuẩn mực về môi trường, tiến tới công nghệ xanh giai đoạn sau năm 2020.

Quyết định cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 6,5-7,0%/năm và giai đoạn 2021-2030 đạt 7,5-8,0%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 12,5-13,0%/năm và giai đoạn 2021-2030 đạt 11,0-12%/năm. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP chiếm 42-43% và năm 2030 chiếm 43-45%. Đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 85-90% giá trị sản xuất công nghiệp; giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% tổng GDP; năm 2030 các tỷ lệ tương ứng là 90-92% và trên 50%.

Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực

Quyết định đưa rađịnh hướng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển tiếp theo; Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, hướng đến sản xuất một số sản phẩm có thương hiệu tham gia vào chuỗi xuất khẩu trọng điểm của cả nước; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành sự phân công sản xuất, liên kết, hợp tác tham gia chế tạo trong từng công đoạn sản phẩm.

Cụ thể, ngành cơ khí - luyện kim: Phát triển theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thiết bị đồng bộ có tính liên hợp cao và suất tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng thấp. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí – luyện kim giai đoạn đến năm 2020 đạt 15-16%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 14-15%.

Ngành hóa chất: Phát triển theo hướng sử dụng công nghệ cao, hiện đại tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh, giảm thiểu và hạn chế thải các hóa chất độc hại ra môi trường. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành hóa chất giai đoạn đến năm 2020 đạt 14-16%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 11-13%

Ngành điện tử công nghệ thông tin: Tiếp tục phát triển phương thức lắp ráp các thiết bị điện tử, tin học để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện tử trong nước và tham gia xuất khẩu. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành này giai đoạn đến năm 2020 đạt 17-18%; đến năm 2030 đạt 19-21%

Ngành dệt may- da giày: Phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, nhằm tạo ra bước nhảy vọt về chất và lượng sản phẩm. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt may – da giày giai đoạn đến năm 2020 đạt 10-12%, đến năm 2030 đạt 8-9%.

Ngành chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống: Phát triển ngành theo hướng hiện đại, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu trên các thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tập trung phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn phục vụ cho chế biến, trên cơ sở áp dụng rộng rãi các loại giống mới có năng suất và chất lượng cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong gieo trồng và bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Tăng trưởng của ngành này giai đoạn đến năm 2020 đạt 9-10%, đến năm 2030 đạt 8-9%.

Ngoài ra, Quyết định cũng nêu rõ định hướng phát triển một số ngành như sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản; điện, than, dầu khí…

Cũng tại Quyết định này quy định rõ việc quy hoạch phân bố không gian theo các vùng lãnh thổ. Cụ thể, cần tập trung phát triển các vùng Trung du miền núi phía Bắc; vùng Đồng bằng Sông Hồng; vùng Duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3847
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)