Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là tổ chức quốc tế duy nhất điều hành hệ thống thương mại toàn cầu bằng các luật lệ do các nước và lãnh thổ thành viên đàm phán và thỏa thuận, sau đó được quốc hội các nước phê chuẩn, nhằm bảo đảm các dòng thương mại ngày càng trôi chảy, dễ dự đoán, tự do và công bằng, góp phần xây dựng một thế giới thịnh vượng hơn, hòa bình hơn và có trách nhiệm hơn
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là tổ chức quốc tế duy nhất điều hành hệ thống thương mại toàn cầu bằng các luật lệ do các nước và lãnh thổ thành viên đàm phán và thỏa thuận, sau đó được quốc hội các nước phê chuẩn, nhằm bảo đảm các dòng thương mại ngày càng trôi chảy, dễ dự đoán, tự do và công bằng, góp phần xây dựng một thế giới thịnh vượng hơn, hòa bình hơn và có trách nhiệm hơn. Để thực hiện mục tiêu bao trùm đó, WTO có các chức năng: quản lý các hiệp định thương mại; làm diễn đàn cho các cuộc đàm phán thương mại; giải quyết tranh chấp thương mại; kiểm điểm chính sách thương mại của các quốc gia; trợ giúp các nước đang phát triển về chính sách thương mại; hợp tác với các tổ chức quốc tế khác.
Tiền thân của WTO là Tổ chức Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong hơn nửa thế kỷ qua, GATT và WTO đã giúp tạo ra một hệ thống thương mại đa phương mạnh và thịnh vượng, xuất khẩu hàng hóa tăng trung bình 6%/năm. Tính đến ngày 4-4-2003, WTO có 146 quốc gia và lãnh thổ thành viên, chiếm hơn 90% thương mại thế giới. Các quyết định được đưa ra bởi toàn thể thành viên, theo nguyên tắc đồng thuận. Cơ quan ra quyết định cao nhất của WTO là Hội nghị Bộ trưởng diễn ra ít nhất một lần trong hai năm. Tổng giám đốc WTO hiện nay là ông Supachai Panitchpakdi, người Thái Lan.
Các quy định - hiệp định của WTO là kết quả của các cuộc đàm phán giữa các thành viên, xác định các quyền và nghĩa vụ của các thành viên theo nguyên tắc không phân biệt đối xử. Các hiệp định chính của WTO gồm: GATT, được sửa đổi, bổ sung, từ năm 1995 trở thành hiệp định bao trùm của WTO về thương mại hàng hóa; Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS); Hiệp định về sở hữu trí tuệ (TRIPS); các hiệp định về quy trình giải quyết tranh chấp thương mại và về việc kiểm điểm chính sách. Tất cả các hiệp định của WTO đều có điều khoản riêng đối với các nước đang phát triển hoặc kém phát triển (chiếm ba phần tư số thành viên WTO) như cho phép các nước này có khoảng thời gian dài hơn để thực hiện các hiệp định và cam kết, các biện pháp trợ giúp xây dựng chính sách thương mại, kỹ thuật đàm phán, đào tạo chuyên gia,...
Quy trình giải quyết tranh chấp thương mại của WTO là một trong những điều kiện thiết yếu bảo đảm hiệu lực các quy định của WTO, được coi là đóng góp lớn nhất của WTO vào sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu, giúp giảm nguy cơ các tranh chấp thương mại leo thang thành xung đột chính trị hoặc quân sự.
Xuất hiện tranh chấp khi một nước thành viên WTO áp dụng một biện pháp chính sách thương mại mà một hoặc một số thành viên khác coi là vi phạm các quyền của họ được quy định trong các hiệp định WTO. Khi một thành viên đưa tranh chấp ra kiện tại WTO, Hội đồng chung của WTO với vai trò là cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) sẽ bổ nhiệm một đoàn thẩm phán có quyền độc lập xem xét vụ kiện và đưa ra phán quyết dựa trên các hiệp định WTO và cam kết của từng nước thành viên.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp của WTO là giải pháp công bằng, nhanh chóng, hiệu quả và các bên đều chấp nhận được. WTO khuyến khích các bên tranh chấp tự tham khảo ý kiến và dàn xếp với nhau trước khi bắt đầu và kể cả trong quá trình xét xử. Việc xét xử được tiến hành theo một lộ trình rõ ràng, gồm nhiều giai đoạn với thời gian cụ thể: từ khi DSB thụ lý vụ kiện đến khi ra phán quyết ban đầu là 12 tháng; phúc thẩm (nếu các bên kháng cáo) ba tháng. WTO quy định các phán quyết tự động có hiệu lực trừ khi bị tất cả các nước bác bỏ, do vậy không thành viên nào có thể cản trở việc thực hiện phán quyết.
Khi WTO đã phán quyết một nước thành viên vi phạm quy định của tổ chức, nước đó sẽ phải nhanh chóng sửa sai, nếu tiếp tục vi phạm, nước đó sẽ phải bồi thường hoặc chịu phạt. Trên nguyên tắc, các biện pháp trừng phạt được áp đặt đối với cùng nhóm thương mại phát sinh tranh chấp, thí dụ EU kiện Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép của EU, EU có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự đối với thép của Mỹ. Nếu biện pháp trừng phạt thương mại cùng nhóm không thực hiện được hoặc không hiệu quả, có thể áp đặt trừng phạt đối với nhóm khác của cùng một hiệp định, thí dụ EU có thể tăng thuế nhập khẩu đối với một số nông sản của Mỹ có giá trị bằng số thiệt hại do việc Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép của EU.
Con số 300 vụ tranh chấp đã được các nước đưa ra giải quyết tại WTO trong tám năm qua, so với tổng số 300 vụ trong suốt 47 năm tồn tại của Tổ chức GATT (1947-1994), cho thấy hiệu quả giải quyết tranh chấp của WTO.