Ngày 27/2/2008, tân Đại sứ Anh quốc Mark Kent đã có cuộc gặp gỡ báo chí nhân chuyến thăm Anh quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đại sứ cũng nói về những ưu tiên trong nhiệm kỳ công tác của mình.
Thưa Đại sứ, trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ sẽ đặt trọng tâm ưu tiên vào lĩnh vực gì?
Tại Việt Nam, chúng tôi muốn dành ưu tiên lớn vào 5 lĩnh vực. Quan hệ hai nước trong lĩnh vực thương mại và đầu tư liên tục phát triển. Trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 1,8 tỉ USD. Đầu tư của Anh quốc vào Việt Nam là 1,4 tỉ USD.
Tôi hi vọng những con số này sẽ tiếp tục gia tăng sau chuyến thăm Anh quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong chuyến thăm tới sẽ có hàng loạt các cuộc gặp với mục đích tăng cường mối quan hệ trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Hỗ trợ phát triển là lĩnh vực quan trọng đối với chúng tôi. Trong lĩnh vực này, Anh quốc đã và đang hợp tác rất tích cực với Chính phủ Việt Nam và tôi nghĩ là nỗ lực này được Chính phủ Việt Nam đánh giá cao. Tôi hy vọng quan hệ này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Ưu tiên thứ ba là hợp tác quốc tế. Việt Nam là một đối tác quan trọng của chúng tôi. Chúng ta hiện đang cùng là thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam cũng là thành viên quan trọng của ASEAN, là nhà đàm phán tích cực trong tiến trình đàm phán tự do thương mại giữa EU và ASEAN.
Nước Anh cũng là nước cổ vũ mạnh mẽ nhất cho tiến trình tự do hoá thương mại trên phạm vi toàn cầu và trong Liên minh châu Âu. Vì vậy, chúng tôi trông đợi thảo luận với phía Việt Nam về vấn đề này trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện và khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU.
Ưu tiên thứ tư là lĩnh vực giáo dục. Hiện có khoảng 5.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Anh quốc. Nhân lực là lĩnh vực tối quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam. Nước Anh lại có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và do vậy chúng tôi mong muốn mở rộng hợp tác về giáo dục.
Ngoài các lĩnh vực kể trên, tôi cũng muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên phương diện văn hóa, đấu tranh chống tội phạm, di trú, và Anh quốc cũng đang hỗ trợ Việt Nam một dự án về nâng cao năng lực quản lý nhà nước.
Theo dự kiến, đầu tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Anh quốc. Xin Đại sứ cho biết chi tiết chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như các thoả thuận sẽ được ký kết?
Chúng tôi rất vui mừng về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến nước Anh. Thủ tướng sẽ có lịch trình rất bận rộn ở London xoay quanh hai lĩnh vực đầu tư và thương mại. Tháp tùng Thủ tướng sẽ có một đoàn đại biểu chính phủ và một đoàn doanh nhân đông đảo.
Tôi tin rằng sẽ có những hợp đồng rất ấn tượng được ký kết trong thời gian diễn ra chuyến thăm. Bên cạnh cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng sẽ có hàng loạt cuộc gặp gỡ ở cấp Bộ trưởng sẽ diễn ra. Thủ tướng cũng sẽ gặp gỡ các nghị sĩ Anh quốc và đến thăm hạ viện Anh.
Các doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì để khai thác hơn nữa thị trường Anh và nên chú trọng đến nhóm mặt hàng nào, thưa Đại sứ?
Theo tôi, đó là những mặt hàng có hàm lượng tri thức công nghệ cao. Hiện tại, các nhà đầu tư Anh đang có mặt tại Việt Nam và đã có một vài nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực phần mềm. Tôi nghĩ rằng việc tăng cường sản xuất những mặt hàng có hàm lượng tri thức và công nghệ cao là rất quan trọng khi Việt Nam muốn tăng vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam cần tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao và áp dụng nhiều sáng kiến và sử dụng những lực lượng lao động có kỹ năng. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo.
Việc gia nhập WTO đã tạo nền tảng rất tốt cho việc tăng cường hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Trao đổi thương mại giữa hai nước đạt khoảng 1,8 tỉ USD vào năm ngoái. Trong số đó, Việt Nam xuất khẩu sang Anh quốc 1,6 tỉ USD còn Anh quốc xuất khẩu sang Việt Nam chỉ trên 200 triệu USD.
Như vậy, Việt Nam đã đang làm rất tốt rồi. Việc tăng cường xuất khẩu hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường và các doanh nghiệp Việt Nam phải tự quyết định họ có thể sản xuất những mặt hàng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng Anh quốc và Liên minh châu Âu hay không.
Thời báo Kinh tế Việt Nam