Trước mối đe dọa của bóng ma chủ nghĩa bảo hộ, Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã kêu gọi thế giới hãy đấu tranh chống lại những rào cản đang chặn đà phát triển của thương mại toàn cầu, đồng thời thúc giục các nước sớm kết thúc vòng đàm phán Doha về tự do thương mại.
Trong bản báo cáo thứ hai về chính sách mậu dịch của 153 nước thành viên, WTO cho rằng từ đầu năm 2009, một số quốc gia đang từng bước tăng thuế hải quan và áp dụng một số biện pháp mới gây cản trợ tự do thương mại.
Theo WTO, bóng ma “chủ nghĩa bảo hộ” đang trở lại và đây cũng là nội dung chính trong thông điệp mà Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh G-20 nhóm họp vào ngày 2/4 tới tại London (Anh).
Trong vai trò là tổ chức thương mại lớn nhất thế giới, WTO lo ngại về tác động của kế hoạch vực dậy kinh tế mà một số nền kinh tế hàng đầu đã và đang chuẩn bị triển khai. Theo WTO, các kế hoạch phục hồi kinh tế bao gồm một số biện pháp tài trợ và viện trợ đến từ chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho sản phẩm và dịch vụ quốc gia, sẽ gây thiệt hại cho các mặt hàng nhập khẩu và tự do cạnh tranh.
Báo cáo của WTO đã công bố một danh sách nhiều nước áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Argentina, Mỹ và một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó, trong báo cáo đầu tiên công bố tháng 1 vừa qua, WTO đã thống kê một loạt các biện pháp mà nhiều nước sử dụng nhằm bảo vệ lợi ích của mình dẫn tới vi phạm các cam kết quốc tế. Theo Ngân hàng Thế giới, có tới 41 biện pháp bảo hộ đã được áp dụng từ tháng 10/2008 tới 2/2009 đi ngược lại những cam kết quốc tế.
Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong thời gian vừa qua, thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển. Kim ngạch xuất khẩu của những nước lên tới 10% trong khi tỷ lệ này tại các nước đang phát triển là 2%-3%. Kim ngạch xuất khẩu của thế giới chỉ tăng 2% năm 2008 so với 8,5% năm 2006 và 6% năm 2007.
Xuất khẩu của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng bị ảnh hưởng nặng nề: mức tăng xuất khẩu của EU chỉ là 0 trong năm 2008 so với 3,5% năm 2007 và 7,5% năm 2006. Xuất khẩu của Mỹ chỉ tăng 5,5% năm 2008 trong khi đó tăng 10,5% trong năm 2006 và 7% năm 2007.
Trung Quốc là quốc gia có mức tăng kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong năm 2008 cũng chỉ đạt 8,5% năm 2008 trong khi đó con số này trong năm 2007 là 19,5%.
Các chuyên gia kinh tế của WTO không quy kết hoàn toàn trách nhiệm sự sụt giảm thương mại toàn cầu là do chủ nghĩa bảo hộ. Song, họ e ngại những rào cản mới này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái kinh tế thế giới .
LHQ cũng tỏ ra lo ngại trước xu thế gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ. Trong một thông điệp gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh G-20, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã kêu gọi các nước kiên quyết nói "Không" với chủ nghĩa bảo hộ, thành lập quỹ 1.000 tỷ USD để giúp đỡ các quốc gia đang phát triển đối phó với khủng hoảng.
Liên quan tới vòng đàm phán Đô-ha về tự do thương mại toàn cầu đang lâm vào bế tắc, cả hai nhà lãnh đạo LHQ và WTO đều khẳng định sẽ nêu vấn đề này tại hội nghị G-20 tới./.