Chiều 3/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã thảo luận với Đại diện thường trú cao cấp của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Benedict Bingham về chính sách điều hành nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam trước mắt và lâu dài.
Việt Nam đã có giải pháp đúng đắn kịp thời điều hành chính sách kinh tế vĩ mô
Tại buổi tiếp, ông Benedict đã thông báo sơ lược nội dung chính của bức thông điệp Vụ trưởng vụ châu Á của IMF David Burton gửi cho Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam.
Trong đó, IMF đã khuyến cáo những tác động tiêu cực nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trước những biến động đầy bất ổn của nền kinh tế thế giới.
Kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây có dấu hiệu tăng trưởng "nóng" mà biểu hiện là lạm phát và nhập siêu cao. Theo đánh giá của IMF, trong bối cảnh hiện nay, không thể giảm thâm hụt ngân sách, lạm phát nhanh chóng trong thời gian ngắn. IMF khuyến nghị, Việt Nam nên tiếp tục duy trì, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là nhà cung cấp vốn lớn cho nền kinh tế, vì vậy họ cần nhận được thông điệp rõ ràng của Việt Nam sẽ cam kết ưu tiên đảm bảo an toàn cho nền kinh tế trước mắt, đồng thời đặt mục tiêu phát triển kinh tế trung và dài hạn thay vì phát triển ngắn hạn, tạm thời để đạt mục tiêu tăng trưởng cao. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần biết những ưu đãi, ưu tiên về chính sách mà họ sẽ nhận được nếu tiếp tục đầu tư lâu dài vào Việt Nam.
Việt Nam cần rà soát lại những dự án đầu tư trong thời gian qua, nên tập trung cho những dự án đảm bảo hiệu quả cao thay vì đầu tư đồng loạt và dàn trải như trong thời gian qua. Việc có quá nhiều ngân hàng nhỏ xuất hiện, các tập đoàn kinh tế nhà nước mở rộng các loại hình kinh doanh trong thời gian qua thay vì tập trung vào chuyên môn chính đã tác động không tốt tới thị trường tài chính trong nước và giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.
IMF tán thành chính sách thắt chặt tài chính và lãi suất của Việt Nam trong thời gian qua và cho đó là một giải pháp đúng đắn kịp thời để điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, ông Benedict cho rằng, Việt Nam nên rà soát lại các dự án đầu tư lớn sử dụng vốn nhà nước, sử dụng nhiều công cụ để điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô thay vì đặt trọng tâm giảm lượng vốn thanh khoản trong hệ thống của NHNN. Thay vì cố định tỷ giá hối đoái, NHNN nên cho phép tỷ giá có biên độ dao động linh hoạt hơn để tạo thêm độ linh hoạt của tính thanh khoản cho thị trường vận hành bình thường trở lại.
Ông Benedict cho rằng, với những giải pháp linh hoạt hơn, chắc chắn Việt Nam sẽ vượt qua được khó khăn hiện tại để tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Việt Nam xác định ưu tiên mục tiêu bình ổn nền kinh tế trước mắt nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế trung, dài hạn
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những kiến nghị, khuyến cáo và đóng góp của IMF. "Những giải pháp IMF đưa ra hoàn toàn phù hợp với hiện trạng nền kinh tế Việt Nam, đó sẽ là những giải pháp tích cực giúp Việt Nam điều hành nền kinh tế vĩ mô vượt qua những khó khăn trước mắt", Phó Thủ tướng nhận định.
Phó Thủ tướng cho biết, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là giữ vững kinh tế vĩ mô, vượt qua những khó khăn hiện nay, đảm bảo phát triển bền vững và lâu dài.
Nhiệm vụ trọng tâm của NHNN Việt Nam là phải quản lý, kiểm soát được lãi suất và các khoản vay, việc xây dựng chính sách tài khóa, giải ngân vào các dự án lớn sẽ được rà soát kỹ lưỡng hơn, cẩn trọng hơn. "Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp, tập trung giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cố gắng kiểm soát nhập khẩu, duy trì tăng trưởng, cải thiện thị truờng và môi truờng kinh doanh, đồng thời tăng xuất khẩu, cân bằng cán cân thương mại", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, việc cơ cấu lại các doanh nghiệp lớn của nhà nước sẽ được thúc đẩy thông qua quá trình cổ phần hóa, thu hút vốn đầu tư gián tiếp, trực tiếp. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được phép tham gia vào điều hành, quản trị với tư cách là cổ đông chiến lược để nâng cao năng lực điều hành của bộ máy lãnh đạo và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
"Việt Nam xác định chấp nhận giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tăng cao, đồng thời ban hành các chính sách điều chỉnh thị trường trong nước theo hướng để thị trường tự điều chỉnh như không bù lỗ giá xăng, dầu. Nếu không thực hiện cải cách cơ chế giá trong thời điểm này, về lâu dài sẽ làm cho nền kinh tế phát triển lệch lạc", Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên chỉ sử dụng nguồn vốn nhà nước cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ những vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn.
Phó Thủ tướng đồng ý với đề nghị của IMF về việc giảm bớt gánh nặng điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô cho NHNN Việt Nam, đồng thời cho phép NHNN được chủ động điều chỉnh chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất. Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tiến hành cải cách lại cơ chế điều hành của NHNN bằng việc xây dựng mô hình NHNN mới hoạt động theo quy chế của các Ngân hàng trung ương khác trên thế giới và cũng đề nghị IMF tư vấn, hỗ trợ Việt Nam về xây dựng mô hình hiện đại cho NHNN Việt Nam.