Như Website Chính phủ đã đưa tin, nhận lời mời của Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Gordon Brown, Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel và Thủ tướng Ireland Bertie Ahern, sáng 3/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân dẫn đầu Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã lên đường thăm chính thức 3 nước nói trên từ ngày 3-11/3/2008.
Thành viên chính thức tham gia Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Phu nhân, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thơ, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Nhung, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn, Trợ lý Thủ tướng Nguyễn Văn Tùng, Chủ tich Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng, Đại sứ Việt nam tại Anh và Ireland Trần Quang Hoan, Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Trần Đức Mậu…
Chuyến thăm Anh, Đức, Ireland của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam nhằm chủ động triển khai quan hệ đối tác toàn diện với khu vực EU; tăng cường quan hệ chính trị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam ở Châu Âu. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhằm mục đích tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các nước này, đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả; đồng thời vận động, khuyến khích doanh nghiệp các nước bạn tăng cường đầu tư vào Việt Nam, hỗ trợ hơn nữa vốn ODA cho Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong quan hệ với EU. Đoàn cũng trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, du lịch, lao động…, trao đổi tình hình và các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, đặc biệt tăng cường sự phối hợp giữa Việt Nam và Anh tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc; vận động các nước bạn, nhất là Anh và Đức tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng Việt kiều làm ăn, sinh sống, phát triển.
Anh - nhà tài trợ EU hàng đầu cho Việt Nam
Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (sau đây viết tắt là Anh), dân số hơn 60,6 triệu người, là nước có vai trò quan trọng trên thế giới (Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, thành viên chủ chốt của các tổ chức quốc tế NATO, EU, WB, IMF…) có nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới (thứ hai châu Âu, sau Đức), GDP bình quân trên đầu người (năm 2006) đạt 35.000 USD/năm.
Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Anh đang phát triển toàn diện, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Quan hệ chính trị phát triển tích cực với đỉnh cao là chuyến thăm Anh của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (năm 2004) và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (năm 2005). Anh hiện là một trong những nhà tài trợ hàng đầu, đứng đầu EU về viện trợ không hoàn lại cho Việt nam (khoảng 100 triệu USD/năm). Về đầu tư trực tiếp, Anh đứng thứ ba trong EU (sau Hà Lan và Pháp) với hơn 1,4 tỷ USD. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của Anh đang hoạt động mạnh tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dầu khí, khai thác khoáng sản, tài chính, ngân hàng, công nghiệp chế tạo, may mặc... Hợp tác giáo dục đào tạo song phương được đẩy mạnh với Chương trình hỗ trợ đào tạo sau đại học, liên kết đào tạo giữa các trường đại học, giảng dạy tiếng Anh, v,v…
Đức đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU
Cộng hòa Liên bang Đức nằm ở trung tâm châu Âu, dân số hơn 82 triệu người, có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Nhật Bản)., đứng đầu thế giới về xuất khẩu; GDP bình quân đầu người (năm 2005) đạt hơn 30 nghìn USD.
Quan hệ Việt Nam - Đức đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao (Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm Đức năm 2001 và 2004); Tổng thống và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Đức thăm Việt Nam năm 2007. Trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank - Walter Steinmeier cũng thăm chính thức Việt Nam (từ 28/2 - 1/3/2008).
Cộng hòa Liên bang Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, kim ngạch mậu dịch hai chiều tăng hơn 50%, đạt hơn 3 tỷ USD Mỹ năm 2007, trong đó Việt Nam xuất 1,8 tỷ USD sang Mỹ. Mặc dù nhiều tập đoàn lớn của Đức như Metro, DaimlerChrysler, Siemens, Deutsche Bank, Allianz, Bayer.. hiện đang hoạt động và kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam, nhưng đầu tư trực tiếp (FDI) của Đức vẫn còn khiêm tốn (với 98 dự án trị giá 545,9 triệu USD), chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Nhìn chung, các dự án của Đức tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, phù hợp với lợi thế của Đức là một trong các nước có nền công nghiệp phát triển mạnh ở châu Âu.
Ireland một hình mẫu đối với các nước đang phát triển
Cộng hòa Ireland là quốc đảo, nằm trên biển Bắc Băng Dương, ở cực Tây - Bắc châu Âu, sát Vưong quốc Anh, dân số hơn 4 triệu người, GDP bình quân đầu người (năm 2005) đạt 39 nghìn Euro/năm. Trong hơn 20 năm qua, Ireland đã đạt được những thành tự kinh tế - xã hội quan trọng, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao hàng đầu thế giới trong thời gian dài (10% trong giai đoạn 1995 - 2000 và 7% trong giai đoạn 2001 - 2004), đưa Ireland từ một nước lạc hậu của châu Âu trở thành một nước công nghiệp phát triển và là hình mẫu cho các nước đang phát triển nghiên cứu, học hỏi.
Tuy Việt nam và Ireland mới thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1996, nhưng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước đang có những bước phát triển tích cực. Thủ tướng Ireland tham gia Hội nghị cấp cao ASEM-5 (tháng 10/2004, tại Hà Nội) đã quyết định mở Đại sứ quán thường trú tại Hà Nội và cấp ODA cho Việt Nam, đưa Việt nam là nước châu Á duy nhất vào danh sách 8 nước ưu tiên nhận ODA của Ireland (7 nước còn lại nằm ở châu Phi). Hiện nay, trao đổi thương mại giữa hai nước còn khiêm tốn (60 triệu USD/năm). Tính đến cuối năm 2007, Ireland đã đầu tư 4 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 4,3 triệu USD trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, bán - cho thuê và sản xuất dụng cụ thể dục thể thao. Hiện nay, Ireland ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với EU.