Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/08/2014-17:40:00 PM
Luật Đấu thầu và Nghị định về lựa chọn nhà thầu
(MPI Portal) – Trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư, chiều ngày 08/8/2014, Hội nghị đã được nghe Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu Lê Văn Tăng trình bày những nội dung chính của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP về việc lựa chọn nhà thầu.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/21993166.JPG

Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu Lê Văn Tăng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Luật Đấu thầusố 43/2013/QH13 (Luật Đấu thầu năm 2013) gồm 13 chương với 96 điều vàNghị định số 63/2014/NĐ-CPbao gồm 15 chương với 130 điều được xây dựng trên cơ sở yêu cầu khách quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về mua sắm sử dụng vốn nhà nước, góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước. Việc ban hành Luật Đấu thầu năm 2013 cũng như Nghị định số 63/2014/NĐ-CP nhằm xây dựng luật chung, pháp điển hoá các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về hoạt động đấu thầu, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng một lĩnh vực và bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật.Trong suốt quá trình soạn thảo dự án, Luật Đấu thầu năm 2013,Nghị định số 63/2014/NĐ-CPđã bám sát quan điểm chỉ đạo và đã đạt được 11 mục tiêu cơ bản đặt ra như sau:

Một là sửa đổi một số quy định hiện hành nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đấu thầu theo tinh thần Nghị quyết số 25/NĐ-CP ngày 02/6/2010 và Nghị quyết số 70/NĐ-CP ngày 27/12/2010 của Chính phủ. Đồng thời, Luật quy định cụ thể hơn về các quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với từng trường hợp cụ thể.

Hai là phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu. Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định rõ phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực cụ thể như lựa chọn nhà thầu (dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp), lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu năm 2013 cũng bổ sung thêm một số phương pháp mới trong đánh giá hồ sơ dự thầu nhằm đa dạng hóa phương pháp đánh giá và để phù hợp hơn với từng loại hình và quy mô của gói thầu. Ngoài ra, Luật Đấu thầu 2013 đã bổ sung quy định cho phép lựa chọn nhà thầu theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Việc mở thầu được tiến hành hai lần; hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà thầu, nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu kỹ thuật sẽ được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá. Như vậy, yếu tố giá sẽ không ảnh hưởng tới tâm lý của tổ chuyên gia trong quá trình đánh giá đề xuất về kỹ thuật của nhà thầu, từ đó sẽ lựa chọn được nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu.

Ba là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong nước. Luật Đấu thầu năm 2013 đã chú trọng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, ưu đãi đối với nhà thầu và hàng hoá sản xuất trong nước. Điều này nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về "khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đồng thời từng bước giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tự chủ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp không chỉ tại thị trường Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế.

Bốn là quy định hình thức đấu thầu mua sắm tập trung trên cơ sở tổng hợp các thông lệ quốc tế tốt và kết quả thí điểm thực hiện tại Việt Nam để áp dụng rộng rãi trong công tác đấu thầu. Theo hình thức này, thay vì tổ chức mua sắm ở hàng trăm cơ quan khác nhau thì cơ quan mua sắm tập trung sẽ chịu trách nhiệm tổ chức mua sắm chuyên nghiệp một lần. Hình thức này không chỉ giúp tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động mua sắm mà còn tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian và chi phí tổ chức mua sắm, đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước và khuyến khích nhà thầu nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

Năm là đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế. Luật Đấu thầu năm 2013 đã dành riêng một mục quy định về mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập. Riêng đối với đấu thầu mua thuốc, Luật Đấu thầu năm 2013 bổ sung hình thức đàm phán giá đối với gói thầu mua thuốc chỉ có từ một đến hai nhà sản xuất, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền và các trường hợp đặc thù khác theo quy định của Chính phủ.

Sáu là quy định hình thức lựa chọn nhà đầu tư, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thủ tục, phương pháp lựa chọn nhà đầu tư. Đây được xem là một trong những giải pháp triển khai quyết liệt trong việc thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đồng thời nhằm thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công, góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thu hút, lựa chọn nhà đầu tư một cách minh bạch, cạnh tranh; xây dựng niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/21995165.JPG

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Bảy là quy định chặt chẽ hợp đồng trong đấu thầu. Luật Đấu thầu năm 2013 đã sửa đổi một số quy định hiện hành về ký kết, thực hiện và quản lý hợp đồng nhằm tăng cường trách nhiệm của nhà thầu và chủ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng, tránh tình trạng áp dụng loại hợp đồng không phù hợp với tính chất của gói thầu, điều chỉnh giá hợp đồng, điều chỉnh hình thức hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng một cách tùy tiện, gây lãng phí, làm giảm hiệu quả đầu tư của các dự án. Theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013, hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản. Khi quyết định áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh thì người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải bảo đảm loại hợp đồng này phù hợp hơn so với hợp đồng trọn gói.

Tám là phân cấp triệt để trong đấu thầu. Theo đó, người quyết định đầu tư (người có thẩm quyền), chủ đầu tư tiếp tục được giao chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình tổ chức lựa chọn và thực hiện gói thầu. Tuy nhiên, khác với Luật Đấu thầu năm 2005, Luật Đấu thầu năm 2013 đã phân cấp triệt để về việc quyết định hình thức chỉ định thầu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp mà không yêu cầu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tuy nhiên, bên cạnh việc phân cấp, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định chặt chẽ về trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền, chủ đầu tư trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, tránh tình trạng khép kín trong đấu thầu.

Chín là tăng cường giám sát về đấu thầu. Luật Đấu thầu năm 2013 được đánh giá là có bước tiến trong việc tăng cường giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu. Cụ thể, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung quy định về yêu cầu giám sát của cộng đồng trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu và thực hiện hợp đồng, bổ sung trách nhiệm về giám sát của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cá nhân đối với từng hoạt động trong quá trình đấu thầu để có cơ sở quy định chế tài xử lý vi phạm tương ứng với từng hành vi vi phạm. Theo đó, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP đã quy định chi tiết về nội dung giám sát, quy trình giám sát bảo đảm hiệu quả của việc giám sát cũng như không gây phát sinh thủ tục hành chính hay gây khó khăn cho chủ đầu tư, bên mời thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

Mười là tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu. Nhằm tăng cường chế tài xử lý vi phạm trong đấu thầu, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung một số hành vi bị cấm trong đấu thầu, đồng thời quy định thêm biện pháp xử phạt đối với cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt nhưng không tuân thủ quy định, các biện pháp phạt bổ sung như đăng tải công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm trên Báo Đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, buộc phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định.

Mười một là quy định phù hợp, chặt chẽ về quy trình giải quyết kiến nghị. Theo đó, để tăng cường hiệu quả của công tác giải quyết kiến nghị, đồng thời giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho nhà thầu có kiến nghị, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bỏ cấp bên mời thầu trong giải quyết kiến nghị; khi có kiến nghị trong đấu thầu, nhà thầu có thể gửi đơn kiến nghị lên chủ đầu tư, người có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Ngoài ra, khi thấy quyền và lợi ích của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có thể khởi kiện ra tòa bất kỳ lúc nào. Việc giải quyết kiến nghị (tranh chấp) tại tòa án được xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Với những nội dung được quy định rõ ràng, mạch lạc và chặt chẽ nêu trên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP sẽ góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng vốnNhà nước và nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tới./.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 5458
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)