Các quan chức hàng đầu của Mỹ ngày 18/4 đều đưa ra nhận định rằng thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc suy thoái kinh tế dường như đã chấm dứt nhờ những nỗ lực "chưa từng có" nhằm duy trì dòng chảy tín dụng, tuy vậy quá trình hồi phục sẽ chậm.
Hai nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng dự trữ liên bang (FED), Phó Chủ tịch Donald Kohn và Chủ tịch FED New York William Dudley, đều chỉ ra những dấu hiệu cho thấy các biện pháp mà ngân hàng trung ương Mỹ thực hiện đang thực sự giúp khôi phục nền kinh tế.
Trong khi đó, ông Paul Volcker, cố vấn kinh tế cao cấp của chính quyền Tổng thống Barack Obama, cựu Chủ tịch FED, nhận xét tốc độ suy giảm của nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng phải mất một thời gian dài nữa để nền kinh tế hồi phục hoàn toàn.
Kể từ khi khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2007, FED đã hạ lãi suất từ mức đỉnh điểm 5,25% xuống còn ở mức 0 đến 0,25% hồi tháng 12/2008. FED cũng tạo ra các chương trình hỗ trợ thị trường tín dụng và hồi phục thị trường cho vay, đặc biệt đối với các khoản vay để không phải bán nhà.
Trong khi các biện pháp khẩn cấp của ngân hàng trung ương đã khiến bảng cân đối của FED "phình ra" tới trên 2.000 tỷ USD, hai ông Kohn và Dudley vẫn phủ nhận những lo ngại cho rằng các biện pháp này có thể làm trệch hướng mục tiêu hạ mức lạm phát.
Ông Kohn còn nhấn mạnh rằng cuộc suy thoái hiện nay "mang tính toàn cầu và đòi hỏi sự ứng phó toàn cầu". Ông nói kỷ nguyên phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ chi tiêu "thả phanh" đã qua. Giờ đây người tiêu dùng Mỹ đang thắt chặt hầu bao hơn bao giờ hết.
Nhưng cho dù Mỹ đang ở quý thứ 6 suy thoái, ông Kohn cho rằng các nỗ lực của ngân hàng trung ương "điều trị" các thị trường tín dụng "ốm yếu" và thúc đẩy phục hồi kinh tế đang bắt đầu có tác dụng./.