Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/06/2014-09:20:00 AM
Công bố quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long
(MPI Portal) – Ngày 05/6, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Lễ công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/21597147.PNG

Theo quy hoạch đến năm 2020 và định hướng năm 2030, thành phố Hồ Chí Minh sẽ là hạt nhân, trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế. Ảnh: Internet

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13/02/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Quyết định số245/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang) là vùng đi đầu trong phát triển một số ngành và dịch vụ tiên tiến, nhất là các ngành sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất phần mềm, các dịch vụ thương mại, giao nhận, tài chính viễn thông, du lịch…

Theo Quy hoạch, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 8 tỉnh, thành phố sẽ trở thành vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDPgiai đoạn 2011 - 2015 khoảng 8,0 - 8,5%/năm và giai đoạn 2015 - 2020 khoảng 8,5 - 9%/năm, trong đó công nghiệp và dịch vụ chiếm 95 - 96% tổng GDP.GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 3.900 - 4.000 USD và đạt trên 5.000 USD vào năm 2020. Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người tăng lên 3.700 USD năm 2015 và đạt 5.400 USD vào năm 2020. Tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân khoảng 20%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt khoảng 85%.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao và công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị gia tăng; chuyển hướng mạnh mẽ phát triển công nghệ hiện đại với hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế; trung tâm giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vùng lân cận và cả nước; trung tâm chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước. Phát triển thành phố Vũng Tàu là trung tâm du lịch, trung tâm dịch vụ khai thác dầu khí cấp quốc gia và quốc tế.Xây dựng đô thị Biên Hòa và Thủ Dầu Một là trung tâm dịch vụ lớn về phát triển công nghiệp.

Buổi Lễ cũng đã công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, thành phố Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang sẽ là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Vùng kinh tế này cũng là trung tâm năng lượng lớn của cả nước với ba trung tâm điện lực Ô Môn, Cà Mau, Kiên Lương và cung cấp khí đốt từ các mỏ khí đốt Tây Nam.

Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của Vùng đạt khoảng 10,5%/năm giai đoạn từ 2016 - 2020, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.470 USD năm 2015 và năm 2020 khoảng 4.400 USD.

Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khoảng 6,5 triệu tỷ đồng và Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCLkhoảng 1,6 triệu tỷ đồng.Tổng vốn đầu tư dự toán nói trên sẽ được huy động bằng nhiều hình thức (ODA, FDI, BOT, BTO, PPP…), xã hội hoá, tăng cường gọi vốn đầu tư nước ngoài,...

Phát biểu tại Lễ công bố, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, các địa phương trong hai vùng kinh tế trọng điểm trên phải phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ, ngành, Viện nghiên cứu trong việc lựa chọn các lĩnh vực đầu tư trọng điểm; vận dụng những cơ chế, chính sách đã ban hành để tập trung chỉ đạo, thực hiện thắng lợi mục tiêu quy hoạch./.

Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3478
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)