Thành phố Hồ Chí Minh vừa quyết định huy động khoảng 20.000 tỷ đồng vốn từ nguồn phát hành trái phiếu đô thị; vay Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV); nguồn thu vượt năm 2008 để lại cho thành phố; nguồn Quỹ kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ và một số nguồn hợp pháp khác để thực hiện chương trình kích cầu đầu tư và tiêu dùng trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2010.
Chương trình hành động này có phạm vi thực hiện đối với các dự án đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu; đổi mới trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật hiện đại; sản xuất nguyên phụ liệu thay thế hàng nhập khẩu; sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao; các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà tái định cư; chương trình phát triển hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ; phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Các chương trình xúc tiến du lịch, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe...
Đối tượng thụ hưởng của Chương trình là tất cả các doanh nghiệp trong nước, Liên hiệp hợp tác xã và các hợp tác xã trên địa bàn thành phố; trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động.
Để kích cầu đầu tư, thành phố sẽ tăng cường chỉ đạo, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để tranh thủ cơ hội đầu tư. Tranh thủ thời điểm giá vật tư, nguyên liệu đang giảm mạnh, ưu tiên bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm để có thể sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong năm 2009. Ngân sách thành phố tiếp tục đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, các dự án không có nguồn thu trực tiếp để trả nợ vay.
Thành phố cũng tập trung nỗ lực để sớm hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các công trình, chương trình trọng điểm trên địa bàn.
Đối với kích cầu tiêu dùng, tăng cường hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp; phối hợp tốt với các cơ quan đại diện ngoại giao, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài để làm tốt hơn công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường ngoài nước. Tổ chức tốt thị trường nội địa để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước. Hoàn thiện các kênh phân phối để chiếm lĩnh và mở rộng thị trường nội địa; phát triển hơn nữa mạng lưới phân phối, hệ thống bán lẻ ở khu vực vùng sâu, vùng xa.
Thành phố cũng chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện tăng cường cho vay tiêu dùng với chuỗi sản phẩm tín dụng linh hoạt, khuyến khích mở rộng và phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ để đẩy mạnh tiêu dùng trong nước./.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ