Với hơn 580 dự án còn hiệu lực, có tổng vốn đăng ký gần 15 tỷ USD, Singapore hiện đứng thứ 4 trong tổng số hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam.
Kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 43 của nước Cộng hoà Singapore (9/8/1965 - 9/8/2008) và lần thứ 35 Ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore (1/8/1973 - 1/8/2008) diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đang phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.
Trên cơ sở “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21” (ký tháng 3/2004) và “Hiệp định khung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore” (ký tháng 12/2005), hoạt động hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước đã và đang phát triển sâu rộng, đạt hiệu quả cao.
Kể từ trước tới nay, Singapore luôn nằm trong top 5 đối tác dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm nay, Singapore có 48 dự án được cấp phép đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 4 tỷ USD, trong đó có quy mô đầu tư lớn nhất là Dự án liên doanh viễn thông tại TP.HCM (vốn đăng ký 1,2 tỷ USD). Như vậy, tính đến nay, Singapore có hơn 580 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 15 tỷ USD, đứng thứ 4 trong tổng số hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam.
Các dự án đầu tư của Singapore tập trung chủ yếu vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ và kinh doanh bất động sản, được các chuyên gia kế hoạch và đầu tư đánh giá là đạt hiệu quả cao, đóng góp đáng kể vào việc giải quyết việc làm, phát triển xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó, nổi bật là Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại Bình Dương (đang mở rộng ra phía Bắc tại tỉnh Bắc Ninh) được xem là hình mẫu cho hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài.
Singapore cũng là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong hoạt động thương mại và du lịch. Kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước đã tăng từ 3,088 tỷ USD năm 2000 lên 10,303 tỷ USD năm 2007; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam tăng từ 886 triệu USD năm 2000 lên 2,202 tỷ USD năm 2007. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu gồm dầu thô, máy vi tính và linh kiện điện tử - vi tính, hải sản, gạo, hàng dệt may, cà phê, hạt tiêu, giày dép…, trong khi nhập khẩu từ Singapore chủ yếu là xăng dầu, máy vi tính - linh kiện vi tính, máy móc - thiết bị, chất dẻo nguyên liệu, kim loại, hoá chất…
Theo Hiệp định khung về kết nối hai nền kinh tế, 6 lĩnh vực gồm: tài chính, đầu tư, thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải, bưu chính - viễn thông - công nghệ thông tin và giáo dục - đào tạo đang được hai bên tích cực triển khai, đã thu được một số kết quả khả quan bước đầu và đang xem xét khả năng mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Là hai nước thành viên ASEAN, Việt Nam và Singapore đã phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ hợp tác của Hiệp hội, nhằm thúc đẩy hiện thực hoá mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN tới năm 2015 theo Hiến chương đã được thông qua, cũng như phối hợp tại các diễn đàn ASEM, APEC, Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác.
Với diện tích 692,7 km2, gồm 54 đảo, hầu như không có tài nguyên khoáng sản, nhưng Singapore đã nhanh chóng trở thành một quốc gia phát triển ở khu vực và thế giới. Singapore là một trong những nước phát triển hàng đầu thế giới về cảng biển, công nghiệp đóng - sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, điện tử và lắp ráp máy móc tinh vi, đặc biệt là về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn…
Singapore cũng là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Nhờ vậy, năm 2006, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 272 tỷ USD (xuất siêu 33 tỷ USD), tổng dự trữ quốc tế đạt trên 136 tỷ USD và GDP bình quân đầu người năm 2007 đạt 32.900 USD. Đây chính là tiền đề cơ bản giúp việc kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và Singapore đi tới thành công.