Trong phát biểu mới đây trên kênh truyền hình France 2, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cho rằng chính các khoản nợ xấu là những yếu tố cản trở sự lưu thông của hệ thống tài chính, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế hiện nay.
Theo ông Strauss-Kahn, các khoản nợ xấu này ước tính có thể lên đến 2.300 tỉ USD. Chính vì vậy, cần phải xử lý chúng, đồng thời nhanh chóng làm trong sạch hệ thống ngân hàng các nước và thế giới.
Tổng Giám đốc IMF cho rằng hiện nay cả Mỹ và Pháp đều chưa coi trọng vấn đề này nên chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G-20 gồm các nước phát triển và mới nổi, dự kiến họp vào ngày 2/4 tới tại London (Anh), Tổng Giám đốc IMF Strauss-Kahn cho rằng thời điểm này không còn là lúc ngồi tranh cãi về phương pháp, mà cần phải có động tác đối phó ngay lập tức.
Chính vì vậy, ông ủng hộ các kế hoạch phục hồi và tin tưởng rằng mặc dù năm 2009 sẽ rất khó khăn, nhưng tăng trưởng kinh tế sẽ được phục hồi vào nửa đầu năm 2010; thế giới sẽ chỉ mất khoảng 2 đến 3 năm nữa để "có thể lấy lại được phong độ" và thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, theo ông Strauss-Kahn, hy vọng phục hồi chỉ có thể trở thành hiện thực với điều kiện các thể chế ngân hàng phải được làm trong sạch, nếu không tiền đầu tư cho các kế hoạch phục hồi sẽ như "gió vào nhà trống" và người tiêu dùng cũng như giới doanh nghiệp sẽ không bao giờ có thể tiếp cận được những khoản đầu tư đó.
Tổng Giám đốc Strauss-Kahn cũng bày tỏ hy vọng rằng G-20 sẽ đưa ra một sự bảo đảm rằng nếu kế hoạch phục hồi của năm 2009 chưa đủ, nó sẽ được tiếp sức bằng một kế hoạch khác trong năm 2010 nhằm cứu vãn nền kinh tế thị trường, đồng thời cải cách và điều tiết lại nền kinh tế thế giới./.