Trong tháng 8/2008, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đều diễn biến theo chiều hướng giảm.
Châu Á vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam
chiếm tới 79% tổng kim ngạch nhập khẩu
Ước tính, kim ngạch xuất khẩu trong tháng này giảm 6,8%, trong khi nhập khẩu giảm 4,1% so với tháng trước.Do xuất khẩu giảm nhiều hơn nhập khẩu, nên mức nhập siêu tháng này lại cao hơn tháng 7.
Con số nhập siêu ước tính được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong buổi họp giao ban sáng ngày 26/8 là 0,9 tỷ USD (con số tương ứng của tháng 7 là 0,8 tỷ USD).
ASEAN - đối tác xuất khẩu số 1
Cụ thể về xuất khẩu, ước thực hiện kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 6,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 2,2 tỷ USD.
Tính chung kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2000 ước đạt 43,3 tỷ USD, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 28%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều được xuất bán với giá cao, mặc dù một số mặt hàng giảm về lượng: dầu thô giảm 10,8% về lượng nhưng tăng 52% về kim ngạch; gạo giảm 4,8% về lượng nhưng tăng gấp đôi về kim ngạch. Nhiều mặt hàng vẫn giữ vững được tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu như: linh kiện tiện tử tăng 26%, thủy sản tăng 20,9%; sản phẩm gỗ tăng 20,4%; dệt may tăng 20%; da giày tăng 18,5%...
Chỉ tính riêng việc tăng giá xuất bán các mặt hàng dầu thô (tăng 71,2% về giá), than đá (tăng gấp đôi), gạo (hơn 2 lần), cà phê (khoảng 40%), cao su (hơn 42%) đã làm kim ngạch xuất khẩu tăng gần 5,6 tỷ USD, tương đương 18% tăng trưởng xuất khẩu.
Nếu loại trừ yếu tố tăng giá của các mặt hàng này thì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt khoảng 21%.
Hoạt động xuất khẩu thời gian qua đã có sự thay đổi về thị trường và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. ASEAN đã trở thành đối tác lớn nhất và đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hoa Kỳ và EU có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung, lần lượt xếp thứ hai và ba về kim ngạch.
Châu Á - thị trường nhập khẩu lớn nhất
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 7 tỷ USD, đưa kim ngạch nhập khẩu tám tháng đầu năm lên 59,3 tỷ USD, tăng 54,1% so với cùng kỳ năm 2007. Riêng nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 19,2 tỷ USD, tăng 41,3%.
Trong 8 tháng đầu năm, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu đều tăng về lượng so với cùng kỳ 2007 như ô tô tăng hơn 3 lần, máy móc thiết bị tăng 40,9%, thép các loại tăng 38,7%, máy tính và linh kiện tăng 32,5%, chất dẻo nguyên liệu tăng 18,3%, giấy các loại tăng 17,4%, phân bón tăng 4,4%...
Bên cạnh số lượng, giá một số mặt hàng nhập khẩu cũng tăng mạnh như xăng dầu tăng 68,5%, sắt thép tăng 29,5%, chất dẻo tăng 16,7%... Tính riêng yếu tố tăng giá đã làm kim ngạch nhập khẩu tăng thêm 5,4 tỷ USD, tương đương gần 14% tăng trưởng xuất khẩu.
Châu Á vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 79% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Nhập siêu trong tháng 8 ước tính là 0,9 tỷ USD, tăng hơn con số ước tính của tháng 8 là 0,8 tỷ USD. Tính chung tám tháng đầu năm, con số nhập siêu đã là 15,97 tỷ USD, bằng 36,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhập siêu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) là 3,4 tỷ USD, bằng 21,4% kim ngạch xuất khẩu, khu vực trong nước đạt xấp xỉ 12,57 tỷ USD, bằng 78,7% kim ngạch xuất khẩu.
Tại buổi giao ban sáng ngày 26/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng nhập siêu đã cơ bản được khống chế ở mức thấp, và dự kiến nhập siêu khoảng 20 tỷ USD trong năm nay có khả năng đạt được.
Tuy nhiên, ông cũng lo ngại xu hướng tăng nhập siêu trong tháng 8 và đề nghị theo dõi chặt chẽ diến biến tình hình xuất nhập khẩu, để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trong cuộc họp giao ban Chính phủ tới đây.