Đồng Bằng Sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chiếm 52% sản lượng lúa
và 80% sản lượng cây ăn quả của cả nước, và là “vựa” thuỷ sản cá da trơn khổng lồ
Tuy vậy, vùng đất này thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) còn rất khiêm tốn.
Theo Trung tâm Thông tin tín dụng, cơ cấu dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng theo vùng kinh tế như sau: Đông Nam Bộ 42%; Đồng bằng sông Hồng 29%; ĐBSCL 10%; duyên hải miền Trung 7%; Bắc Trung Bộ và Đông Bắc Bộ mỗi vùng 4%; Tây Nguyên 3%; Tây Bắc 1%.
Như vậy, ĐBSCL mặc dù chiếm 80% sản lượng gạo và 80% sản lượng thuỷ sản xuất khẩu của cả nước, nhưng chỉ đứng thứ 3 và chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn trong cơ cấu dư nợ của 8 vùng kinh tế trong cả nước.
Trải “thảm đỏ” mời gọi mà nhà đầu tư chưa đến?
Vốn đầu tư trong nước có nhiều hạn chế, vốn đầu tư nước ngoài lại càng khiêm tốn hơn.
Trong khi vốn đầu tư nước ngoài ào ào chảy vào các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.., thì khu vực nông nghiệp, nông thôn cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng dù đã “trải thảm đỏ” mời gọi cũng chỉ thấy lưa thưa vài nhà đầu tư.
Trong tháng 7/2008, chỉ có Long An là địa phương duy nhất ở ĐBSCL thu hút được thêm 12 dự án FDI, với số vốn đăng ký hơn 216 triệu USD.
Trong 7 tháng đầu năm 2008, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã thu hút được 57 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn gần 2,8 tỷ USD, chiếm 6,3% tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước, trong khi nhu cầu vốn toàn vùng giai đoạn 2006 - 2010 cần tới 26 tỷ USD.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại hội nghị hợp tác xúc tiến thương mại trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC), tổ chức hồi đầu tháng 7/2008 ở thành phố Cần thơ, kết quả trên đây là thấp so với tiềm năng sẵn có của toàn vùng và vốn FDI không đồng đều giữa các địa phương, các dự án chỉ tập trung ở một số địa phương có lợi thế như Cần Thơ, Long An, Kiên Giang.
Nguồn vốn ODA của toàn vùng đạt 1,75 tỷ USD cam kết, giải ngân đạt 675 triệu USD; trong đó vốn không hoàn lại chiếm 16%. Nguồn vốn này tập trung cho phát triển nông thôn, xoá đói giảm nghèo và hỗ trợ giáo dục đào tạo, phát triển y tế. Tuy vậy, so với cả nước số vốn ODA vào ĐBSCL chưa nhiều, vốn ký kết ODA đạt 4% và thuộc vùng thấp nhất cả nước.
Vốn FDI có mục tiêu tối thượng là lợi nhuận tối đa. Trong khi đó đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là khu vực sinh lời thấp, chi phí cao, nhiều rủi ro. Hàng năm ĐBSCL phải mất 3 - 4 tháng trời sống chung với lũ.
Cùng với thiên tai, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi xảy ra thường xuyên, khả năng trả nợ của khách hàng thấp..., nên nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn thương mại không đổ vào nhiều.
Điều này giải thích vì sao Kiên Giang đứng đầu bảng thu hút vốn FDI ở ĐBSCL cũng chỉ là dự án sân golf, khu nghỉ dưỡng. Chỉ riêng một sân golf 36 lỗ tại ấp 4 xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa) đã “nuốt” hết 260 ha/tổng diện tích 770 ha đất lúa của xã. Dự án này do Công ty TNHH Hyoil Investment (Hàn Quốc) đầu tư.
Theo ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thì “cách đầu tư này cũ người mà mới ta”. Đất ĐBSCL là đất vàng, làm lúa trúng bể bồ! Lấy hết “đất vàng” thì phải làm ra vàng chứ không thể làm ra nhôm, ra sắt và huỷ diệt môi trường.
Một nguyên nhân khác làm cho đầu tư nước ngoài vào ĐBSCL ít là cơ sở vật chất hạ tầng nông nghiệp, nông thôn yếu kém. Về mặt nhân lực thì lao động tuy đông, giá rẻ nhưng là lao động phổ thông; hơn 90% chưa được qua đào tạo; trình độ dân trí thấp.
Khoảng 80% dân số sống ở nông thôn, chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, bình quân 1 hộ chỉ có 0,5 - 1 ha; trên 90% nông dân sản xuất theo phương thức vay trước, trả sau (khi thu hoạch). Vì vậy không khó hiểu khi nhà đầu tư nước ngoài chưa tìm đến miền đất này.
Loay hoay tìm giải pháp
Thời gian qua vốn FDI vào ĐBSCL vẫn là của các nước và vùng lãnh thổ ở châu á, như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản.
Theo dự kiến, nhu cầu vốn toàn vùng ĐBSCL từ năm 2006 đến 2010 lên tới 450.000 tỷ đồng, (tương đương 26 tỷ USD) và phải huy động bằng mọi nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế ĐBSCL giai đoạn hậu WTO.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân cho rằng, với điều kiện hiện nay xúc tiến đầu tư của các tỉnh ĐBSCL nên hướng vào những tập đoàn lớn của một số nước có thế mạnh về nông nghiệp, như: Mỹ, Canada, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Australia và nguồn lực Việt kiều.Nếu muốn thu hút đầu tư, nhất là vốn FDI thì các tỉnh trong vùng cần hỗ trợ nhau trong việc xây dựng một hình ảnh chung cho khu vực.
Tại hội nghị xúc tiến thương mại vừa qua, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư các tỉnh, thành phố đều thừa nhận, cần có giải pháp và sự gắn kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các địa phương mới mong thu hút đầu tư vào khu vực ĐBSCL. Tránh tình trạng như lần trước, hội nghị xong bỏ đó, về các địa phương vẫn theo kiểu nông dân “mạnh ai nấy làm”.
Đó là chưa kể trong kêu gọi các nhà đầu tư, mỗi tỉnh lại có những dự án trùng lặp, chồng chéo, thậm chí cạnh tranh nhau. Và, hầu như tỉnh nào cũng tổ chức hội chợ, hội nghị kêu gọi đầu tư, vừa tốn kém, vừa không hiệu quả. Kết cục là loay hoay tìm giải pháp, rời rạc tìm đầu tư..., mà vốn vẫn cứ chảy đi đâu, không vào!
Lần này, các tỉnh có sự nhất trí kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại, du lịch, thiết lập quan hệ chặt chẽ với các tổ chức quốc tế liên quan với xúc tiến đầu tư; đặc biệt là các hiệp hội doanh nhân nước ngoài, các tổ chức xúc tiến đầu tư, như: JICA, JETRO của Nhật Bản, tổ chức hợp tác kỹ thuật GTZ của Đức, KOTRA của Hàn Quốc, CETTRA của Đài Loan.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, rút kinh nghiệm những năm qua, muốn cải thiện môi trường đầu tư, các tỉnh ĐBSCL cần hợp tác và mở rộng liên kết với các tỉnh Đông Nam Bộ, đặc biệt là Tp.HCM nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư dồi dào từ các doanh nghiệp ở khu vực này. Mặt khác, muốn nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư các tỉnh ĐBSCL phải cùng bàn, cùng làm để tạo ra hiệu ứng đồng thuận.
Khi đã có tiếng nói đồng thuận, tăng cường thêm cơ sở vật chất hạ tầng thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ “đến đây thì ở lại đây”, tìm thấy sự sinh lời của đồng vốn.