Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/08/2008-16:05:00 PM
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong bối cảnh lạm phát hiện nay có đến hơn 20% số doanh nghiệp đã dừng hẳn sản xuất, kinh doanh, 60% đang cố gắng cầm cự và chỉ có khoảng 20% số doanh nghiệp có khả năng thích ứng và vươn lên.

Bản thân doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vốn ít, lại thêm những hạn chế do chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, cho nên cơ hội tiếp cận các nguồn vốn càng khó khăn hơn.

Với mức lãi suất 21%/năm như hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó bảo đảm trả được nợ và lãi ngân hàng, trong khi tất cả các chi phí đầu vào đều tăng cao, lợi nhuận làm ra không có lãi.

Trong thời điểm khó khăn này, các doanh nghiệp tìm mọi cách tiết kiệm chi phí, tăng hiệu suất hoặc chuyển hướng sản phẩm để giảm vốn.

Tuy nhiên, chỉ có các doanh nghiệp có tiềm lực vốn tốt, không phụ thuộc vào nguồn vốn vay, phần vốn tự túc chiếm vai trò chủ đạo, thì khả năng điều chỉnh tốt hơn và chịu đựng rủi ro có mức độ hơn. Còn các doanh nghiệp phải đi vay vốn, đang gặp rất nhiều khó khăn! Ngân hàng chỉ dành ưu tiên vay vốn cho các đối tác, bạn hàng truyền thống. Với các doanh nghiệp mới ra đời, việc tiếp cận vốn hoàn toàn bị đóng cửa!

Nhìn nhận theo cách tích cực, DNVVN với lợi thế tự chủ kinh doanh, quy mô nhỏ, khi gặp khó khăn có thể "co" lại rất nhanh, hạn chế thiệt hại; đồng thời, cũng mở ra nhanh khi có cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, trước mắt khó khăn còn nhiều, nhất là vào thời điểm cuối năm, khi các doanh nghiệp đều phải nỗ lực vươn lên để hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đã đề ra. Chính vì vậy, nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời của Nhà nước, số doanh nghiệp phá sản, giải thể sẽ còn tăng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp sự hồi phục của nền kinh tế.

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hội DNVVN cho rằng, các chính sách đưa ra cần bình đẳng thật sự cho doanh nghiệp và người lao động. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp lớn vẫn có nhiều lợi thế trong cạnh tranh với DNVVN, như chính sách tín dụng là một thí dụ. Do đó, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng thật sự là điều phải làm và làm một cách nhanh chóng.

Cũng như các doanh nghiệp nhà nước, DNVVN cần phải được phân loại để từ đó có những hỗ trợ về thuế, tín dụng, công nghệ, hay đào tạo nghề... Ðồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp thông tin nhanh, đủ và chính xác cho doanh nghiệp về thị trường và chính sách, để doanh nghiệp chủ động tìm hướng đi cho mình.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước hết doanh nghiệp phải tự lo, không trông chờ. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để duy trì và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần phải tiết kiệm và tái cơ cấu sản xuất một cách triệt để; chủ động, sáng tạo trong quản trị, liên kết nhau thành hệ thống có thể trợ giúp về vốn, công nghệ, nhân lực, thị trường.

Quan trọng nhất, là phải cùng nhau hướng đến xây dựng một thị trường lành mạnh, quan tâm người tiêu dùng, khiến cho người dân có thể sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước chất lượng tốt, giá thành hợp lý, kích thích tiêu dùng, từ đó thúc đẩy chu kỳ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

THÙY VÂN
Báo Nhân dân

    Tổng số lượt xem: 1014
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)