Ngày 23/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo tăng gấp đôi hạn mức tín dụng cho các nước nghèo nhằm giúp các quốc gia này vượt qua tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.
Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn cho biết đây là một phần trong một loạt cải cách hoạt động cho vay của IMF và là một "sự thay đổi lớn" trong thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này.
Hội đồng quản trị IMF đã phê chuẩn tăng gấp đôi hạn mức tín dụng cho vay dành cho các nước nghèo nhất theo các thỏa thuận của các chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo PRGF và ESF. Hai công cụ cho vay này đưa ra mức lãi suất cực thấp và có giá trị đối với 78 quốc gia nghèo nhất thế giới.
Trong thông cáo ngày 23/4, ông Strauss-Kahn cho biết hạn mức tín dụng dành cho các nước nghèo phụ thuộc vào phần đóng góp của mỗi nước, dựa trên quy mô nền kinh tế của họ.
Theo đánh giá của IMF, mức trần này có thể đã vượt quá mức quy định một cách đặc biệt. Ông cũng nhấn mạnh tính linh hoạt tăng thêm và các nguồn vốn bổ sung cho phép IMF đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nước nghèo nhất thế giới vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trong phần lớn thập kỷ này, các nước có thu nhập thấp đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ lạm phát giảm và nợ nước ngoài giảm. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, các nước nghèo đã gặp phải một loạt cú sốc, đầu tiên là giá lương thực và dầu mỏ tăng cao và hiện tại là cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu.
Cuộc cải tổ chính sách cho vay của IMF nằm trong khuôn khổ các biện pháp đã được thông báo hồi cuối tháng 3 vừa qua nhằm đơn giản hóa các thủ tục phân bổ các khoản tín dụng dành cho 185 thành viên IMF./.