(MPI Portal) – Ngày 21/7/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nâng cao vai trò chủ đạo của Ngân sách Trung ương góp phần tăng cường nguồn lực cho Đầu tư phát triển gắn với sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước”.
Tham dự Hội thảo có Vụ trưởng Vụ Tài chính, Tiền tệ Đỗ Trọng Khanh; Giám đốc Văn phòng phát triển Kinh tế và Quản trị Nhà nước USAID tại Việt Nam Todd Hamner cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sau 10 năm tổ chức thực hiện, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2002 đã khẳng định vai trò quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động thu chi ngân sách, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và xử lý kịp thời những vấn đề cấp bách phát sinh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật NSNN còn bộc lộmột số bất cập, hạn chế cần được xem xét, nghiên cứu sửa đổi bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn. Để khắc phục những hạn chế của Luật NSNN hiện hành, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi việc sửa đổi Luật NSNN phải đạt được mục tiêu hướng tới việc nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn NSNN; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, khắc phục những bất cập về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa Trung ương và địa phương để đảm bảo phát huy tính chủ động của ngân sách chính quyền địa phương trong quản lý và sử dụng ngân sách, đồng thời đảm bảo vai trò chủ đạo của Ngân sách Trung ương (NSTƯ).
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phân tích vai trò chủ đạo của NSTƯ sau 10 năm triển khai Luật NSNN, ở Việt Nam, nguồn thu NSTƯ từ thuế giá trị gia tăng, hàng hóa nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hóa nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị hạch toán toàn ngành, các khoản thuế và thu khác từ dầu khí, viện trợ không hoàn lại… Theo tính toán từ số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ nguồn thu NSTƯ trong tổng thu NSNN đã giảm từ 65,7% năm 2004 xuống còn 61,6% năm 2012. Xét theo tỷ trọng GDP, quy mô động viên NSTƯ cũng giảm từ mức 17,5% GDP năm 2004 xuống còn 14% GDP năm 2012. Khả năng tiếp cận về nguồn lực giảm xuống đồng nghĩa với việc NSTƯ có ít nguồn lực hơn để thực hiện các nhiệm vụ chi. Sự mở rộng về quy mô các khoản thu NSĐP được hưởng tuy góp phần làm gia tăng tính tự chủ của địa phương nhưng cũng đặt yêu cầu “đảm bảo tính chủ đạo của NSTƯ” trước một số khó khăn.
Trong khi đó, vốn đầu tư từ ngân sách dành cho phát triển đang tăng nhanh theo thời gian. Từ 2005 đến 2012, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội luôn chiếm rất cao trong GDP, cao nhất là năm 2007 với 46,52%. Tỷ trọng này đang có xu hướng giảm mạnh, đến năm 2012 chỉ còn 33,5% trong GDP. Theo số liệu từ niên giám thống kê năm 2012, tổng vốn đầu tư phát triển trong toàn xã hội liên tục tăng từ 343.135 tỷ đồng năm 2005 lên 989.300 tỷ đồng năm 2012 (gấp 2,88 lần); trong đó khu vực vốn FDI tăng nhanh nhất (4,5 lần); tiếp đến là khu vực kinh tế ngoài nhà nước (2,95 lần); và khu vực kinh tế nhà nước (2,32 lần).
Xét về hiệu quả xã hội, vốn đầu tư từ NSNN có biểu hiện kém hiệu quả hơn trong các chỉ tiêu kinh tế nhưng có biểu hiện hiệu quả hơn đối với các chỉ tiêu xã hội, hiệu quả của nhà đầu tư khu vực nhà nước đã có xu hướng tích cực hơn tuy còn nhiều hạn chế và rủi ro, tác động của vốn đầu tư từ NSNN đối với giảm nghèo đã được cải thiện rõ, tuy nhiên tác động chưa cao đối với tạo việc làm.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất một số giải pháp về chiến lược – quy hoạch đầu tư; giải pháp về tái cơ cấu đầu tư công như giảm tỷ lệ đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội, tái cơ cấu chi tiêu ngân sách hướng tới sự hiệu quả, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, sửa đổi bổ sung các quy định về quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư; giải pháp về lựa chọn hình thức đầu tư; giải pháp về phân cấp đầu tư; giải pháp về hợp tác công tư trong đầu tư; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, kiểm toán… nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư