Kinh tế Việt Nam tiếp tục có những dấu hiệu ổn định là nhận định của các chuyên gia phân tích tại các Ngân hàng ANZ (Úc) và Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), trong những báo cáo được công bố mới đây.
ANZ nhận định, tỷ giá USD/VND đến cuối năm nay có thể
ổn định ở mức 16.400 VND/USD
Thuận lợi hơn cho kinh tế vĩ mô
Theo ông Paul Gruenwald, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ANZ, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những dấu hiệu ổn định và tự tin với quá trình tái cơ cấu. Lạm phát đã lên đến đỉnh điểm, thâm hụt thương mại đang được cải thiện và thị trường tiền tệ đang vận hành hiệu quả. Rủi ro đáng chú ý nhất là sự ổn định trong các cân đối vĩ mô.
Lạm phát vẫn gia tăng trong tháng 8, lên mức 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu trong nước có xu hướng suy yếu. Cũng trong tháng 8, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 30% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp tỷ lệ lạm phát cao, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp chỉ còn ở mức 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng thương mại trong tháng 8 tiếp tục được cải thiện. Tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục mạnh mẽ ở mức 39,1%, dẫn đầu là gạo và dầu thô. Tăng trưởng nhập khẩu giảm, xuống mức 54,1%, dẫn đầu sự sụt giảm là ôtô, thép và xăng. Quan trọng nhất, tính trên cơ sở 12 tháng, thâm hụt thương mại đã có dấu hiệu giảm đáng kể.
Tỷ giá giao ngay của đồng USD trong tháng 8 cũng chỉ còn ở mức 16.600-16.800 VND/USD. Thêm vào đó, tính thanh khoản của thị trường liên ngân hàng đã được cải thiện rõ nét. Đồng thời, tỷ giá kỳ hạn 12 tháng đã giảm xuống mức 18.800-19.200 VND/USD, thấp hơn tỷ giá giao ngay khoảng 11%.
Chỉ số chứng khoán chủ chốt VN-Index trong tháng 8 đã tăng hơn 20% và cao hơn mức giữa tháng 6 khoảng 50%, nhưng vẫn thấp hơn đỉnh cao kỷ lục của tháng 10 năm ngoái khoảng 50%. Tương tự, chỉ số HASTC-Index cũng thêm được hơn 30% trong tháng 8 nhưng vẫn thấp hơn đỉnh cao kỷ lục một nửa.
Ông Paul Gruenwald nhận định rằng, các biện pháp đã áp dụng trong tháng 6 nên tiếp tục được duy trì một cách hợp lý để giữ ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhập khẩu. Rủi ro đáng chú ý đối với Việt Nam sẽ là sự buông lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ quá sớm.
Còn theo ông Tamara Henderson, chuyên gia về chính sách lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng ANZ, các biện pháp đối phó khủng hoảng của Chính phủ Việt Nam đã đúng hướng. Tuy nhiên, áp lực đối với những khoản nợ kém chất lượng trên thị trường tiền tệ có thể phải mất thêm một khoảng thời gian đáng kể nữa.
Vì nền kinh tế Việt Nam đã có độ mở khá rộng, trong khi các thị trường toàn cầu vẫn tập trung vào tăng trưởng trong quý 2, cần tiếp tục kiểm soát chặt đồng nội tệ cho đến cuối năm nay.
Về chính sách hối đoái, ANZ nhận định, vị trí đối ngoại của Việt Nam vẫn còn yếu, thâm hụt cán cân vãng lai tương đương với 10% GDP. Sự ổn định dài hạn của Việt Nam là rất đáng chú ý. Tỷ giá USD/VND đến cuối năm nay có thể ổn định ở mức 16.400 VND/USD.
Về chính sách lãi suất, mặc dù lạm phát gần đến mức 30% và lãi suất tiết kiệm đã ở mức thực âm, sự suy giảm triển vọng của các nền kinh tế toàn cầu có thể mang lại lợi thế cho Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư.
Morgan Stanley dự báo thời điểm giảm lãi suất cơ bản
Cuối tháng 8, các chuyên gia phân tích của Morgan Stanley cũng đưa ra nhận định về 3 điểm nổi bật của kinh tế vĩ mô xét từ góc độ chính sách tiền tệ.
Thứ nhất: Tỷ lệ lạm phát đã được kiềm giữ đáng kể.
Thứ hai: Sức ép cán cân thanh toán đã bớt nặng nề do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong nước chậm lại và sụt giảm nhu cầu đầu cơ.
Trong tháng 7, mức nhập khẩu thép đã giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường bất động sản đã bớt nóng; nhập khẩu ôtô giảm 53,5% so với cùng kỳ năm ngoái do chính sách thuế đối với mặt hàng này. Nhu cầu về vàng đã từng tăng 55% trong nửa đầu năm 2008 nhưng lệnh cấm nhập khẩu vàng có thể làm giảm áp lực nhập khẩu.
Kết quả là, thâm hụt thương mại đã giảm từ đỉnh cao 49,5% GDP trong tháng 4 xuống 17,7% GDP trong tháng 7.
Thứ ba: Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã khá ổn định. Các nhà đầu tư vẫn tin vào câu chuyện cấu trúc dài hạn của Việt Nam, bất chấp những khó khăn vĩ mô trong nửa đầu năm 2008. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, FDI cam kết từ tháng 4 đến tháng 7 là 39 tỷ USD.
Tương tự, lượng vốn FDI được giải ngân trong thời gian này là 4,3 tỷ USD, trong khi con số của quý 1 chỉ là 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, khu vực ngân hàng vẫn chưa thực sự hồi phục. Với chính sách thắt chặt tiền tệ, sức ép đối với khu vực này vẫn còn. Ở cấp độ vi mô, mặt bằng lãi suất mới đang dần được thiết lập. Động lực tăng trưởng kinh tế đã từng dựa dẫm nhiều vào cơ chế tín dụng dễ dãi trong thời gian trước.
Hiện nay hệ thống trung gian đang gặp căng thẳng. Lãi suất liên ngân hàng vẫn ở mức cao, cho thấy điều kiện thanh khoản vẫn còn hạn hẹp. Điều này ảnh hưởng đến các ngân hàng cổ phần và ngân hàng liên doanh, có nguồn vốn phụ thuộc vào nhiều vào thị trường tiền tệ liên ngân hàng.
Morgan Stanley cũng nhận định rằng, vẫn còn quá sớm để Ngân hàng Nhà nước tính đến chuyện cắt giảm lãi suất đáng kể. Các điều kiện thanh khoản vẫn còn khó khăn vì lạm phát cao và chính sách lãi suất thực âm có lợi cho người đi vay hơn người cho vay.
Ngân hàng của Mỹ này cũng đề xuất hai mục tiêu quan trọng trong chính sách mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tính đến khi quyết định cắt giảm lãi suất:
Thứ nhất: Lạm phát phải giảm tương đối để lãi suất trở về mức thực dương;
Thứ hai: Điều kiện thanh khoản của khu vực ngân hàng đã được cải thiện rõ nét, khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tiền gửi được thu hẹp và lãi suất liên ngân hàng giảm.
Bản báo cáo dự đoán, điều này sẽ xảy ra sớm nhất là quý 1/2009.