Trong chiến lược dài hơi về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhân lực có thể là một rào cản.
Lao động lành nghề, ngành nào cũng thiếu
Thu hút vốn FDI tăng vọt trong vài năm gần đây và kỷ lục 21,3 tỷ USD năm 2007 lập tức bị phá vỡ với 47,15 tỷ USD vốn đăng ký chỉ trong 8 tháng đầu năm 2008. Tuy nhiên, vốn giải ngân vẫn đang bị vốn đăng ký bỏ lại một quãng xa mà theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân là do thiếu nhân lực.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Sang Wook Kim, Phó giám đốc Phòng Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra Hà Nội) cho rằng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao đang khiến việc triển khai nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn ở Việt Nam bị kéo dài.
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư vào Việt Nam đã nói với ông Kim rằng, ngoài môi trường, cơ hội kinh doanh, vấn đề họ quan tâm khi đầu tư vào một quốc gia chính là nguồn lực lao động.
Báo cáo thường niên của Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hiện tại, khả năng đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp FDI thuộc các ngành có nhu cầu lao động cao như dệt may, thủy sản… là khá khó khăn, đặc biệt đối với các vùng kinh tế mà tại đó lượng vốn FDI chiếm đa số. Nhiều doanh nghiệp luôn trong tình trạng không tuyển đủ lao động
Với các ngành khác như du lịch, ngân hàng, công nghệ, xây dựng… mặc dù quy mô sử dụng lao động không lớn, nhưng khi số lượng doanh nghiệp tăng đáng kể trong vài năm gần đây thì với nhu cầu lao động tăng lên, nguồn cung lao động không thể đáp ứng nổi.
Bất hợp lý nằm ở đâu, khi mà Việt Nam đang dư thừa lao động? Câu trả lời được các nhà đầu tư nước ngoài chỉ rõ là vấn đề chất lượng lao động.
Đại diện của nhà máy Intel Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đang thiếu trầm trọng nhân sự cho rất nhiều vị trí, trong đó, thiếu nhất là những kỹ sư, kỹ thuật viên lành nghề, một số vị trí lãnh đạo nhóm chuyên ngành kỹ thuật…
Thông thường, lao động làm việc trong khu vực FDI có yêu cầu về trình độ cao hơn nhiều trong khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngoài quốc doanh. Điều này khiến các lao động dịch chuyển từ khu vực nhà nước và ngoài quốc doanh khó có thể thỏa mãn nhu cầu trình độ của các doanh nghiệp FDI.
Ở một góc nhìn khác, nguồn lao động kém chất lượng còn được biểu hiện rõ ở tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực có dòng vốn FDI lớn.
Theo logic thông thường, vùng nào có nhiều doanh nghiệp FDI thì vùng đó sẽ có nhu cầu lao động lớn, và đáng lẽ ra tỷ lệ thất nghiệp phải thấp. Song ngược lại, theo điều tra tỷ lệ thất nghiệp do VVCI tiến hành đối với lực lượng lao động trong độ tuổi, những vùng thu hút nhiều đầu tư nước ngoài lại là những vùng có tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước.
Ông Nguyễn Đại Đồng, Vụ trưởng Vụ Lao động việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, các vùng kinh tế phát triển thường đòi hỏi chất lượng lao động cao. Vì thế, lượng lao động có tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, khiến người lao động ít có cơ hội tìm đựơc việc làm ở tại vùng này.
Vấn đề đặt ra ở đây, theo ông Đồng, chính là phương pháp giáo dục trong các nhà trường, làm sao để sinh viên tốt nghiệp có đủ khả năng, cân bằng giữa chuyên môn nghiệp vụ và sự nhanh nhạy, sáng tạo và quan trọng là đạt tiêu chuẩn quốc tế để sẵn sàng hội nhập.
“Khi không có lợi thế về vốn, chúng ta cần cạnh tranh, thu hút đầu tư bằng nguồn lực con người. Việc đánh mất lợi thế về nguồn lực lao đông sẽ làm giảm sự thu hút của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, ông Đồng nói.
Việt Nam đang thu hút vốn đầu tư nước ngoài có định hướng và ưu tiên các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn. Có thể thấy, với tốc độ cam kết vốn FDI như hiện nay, nếu không có những chuẩn bị về nguồn lực lao động và có chính sách kinh tế hợp lý để khuyến khích dịch chuyển lao động có tay nghề thì vị thế của Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng dưới con mắt các nhà đầu tư nước ngoài.