Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 29/2008/NĐ-CP quy định về thành lập, hoạt động, chính sách và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT), khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK).
Theo đó, để thành lập KCN thì tổng diện tích đất công nghiệp của các KCN đã được thành lập trên địa bàn cấp tỉnh đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất ít nhất là 60%.
Mở rộng KCN nhất thiết phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp đã được phê duyệt
Điều kiện để mở rộng KCN là tổng diện tích đất của KCN này đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất ít nhất là 60%
Đối với KCN có quy mô diện tích từ 500 ha trở lên và có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng-kinh doanh kết cấu hạ tầng hoặc KCN có vị trí cạnh các tuyến quốc lộ, gần các khu vực quốc phòng, khu bảo tồn di tích lịch sử... thì phải xin hướng dẫn lập quy hoạch chung từ Bộ Xây dựng hoặc phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan về quy hoạch chi tiết KCN trước khi UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Cũng theo Nghị định này, để phát triển KCN cần hội tụ đủ 4 điều kiện: Có quỹ đất dự trữ để phát triển và có điều kiện liên kết thành cụm các KCN; có khả năng thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; có khả năng cung cấp và đáp ứng nhu cầu về lao động; đảm bảo phù hợp với bố trí quốc phòng và các yêu cầu về quốc phòng, an ninh.
KKT và KKTCK phải ở vị trí địa lý thuận lợi, kết nối với các đường giao thông huyết mạch của quốc gia
KKT nhất định phải có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế khu vực; có quy mô diện tích từ 10.000 ha trở lên và đáp ứng yêu cầu phát triển tổng hợp của KKT; có khả năng phát huy tiềm năng tại chỗ và tạo ảnh hưởng phát triển lan tỏa đến các khu vực xung quanh.
KKTCK phải nằm ở vị trí kết nối thuận lợi với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia; giao lưu thuận tiện với các nước láng giềng qua cửa khẩu biên giới đất liền của nước bạn; KKTCK phải đáp ứng yêu cầu phát triển tổng hợp như: hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, du lịch...
KKT và KKTCK nhất thiết không tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn thiên nhiên; không gây ảnh hưởng xấu và làm tổn hại đến di sản văn hóa vật thể... và phải có điều kiện đảm bảo yêu cầu về môi trường, môi sinh và phát triển bền vững.
Cơ chế, chính sách thông thoáng đối với KCN, KCX và KKT
KCN là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Nhà đầu tư có dự án đầu tư vào KCN, kể cả dự án đầu tư mở rộng vào ngành nghề, lĩnh vực thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được hưởng ưu đãi theo Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Các dự án đầu tư vào lĩnh vực thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và thực hiện tại KKT, KCN thành lập tại địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu phi thuế quan trong KKT; dự án công nghệ cao và các dự án lớn có ý nghĩa quan trọng sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhà nước cũng có chính sách giảm 50% thuế thu nhập đối với người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại KKT.