Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/03/2008-15:33:00 PM
Yếu tố đảm bảo thành công dự án hợp tác Nhà nước - tư nhân

Trong chuyến tới Việt Nam tham dự Diễn đàn “Việt Nam - Nhật Bản - OECD về hợp tác Nhà nước - tư nhân”, GS Mitsuhiro Maeda, Vụ trưởng Vụ Hợp tác tài chính (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản - METI) đã trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về hợp tác Nhà nước - tư nhân (PPP) tại Việt Nam.

Thưa ông, điều gì là quan trọng nhất đối với Việt Nam khi thực thi các dự án PPP?

Đó chính là khuôn khổ thể chế luật pháp. Muốn thực hiện được các dự án PPP, trước hết, các bạn cần xây dựng một khuôn khổ luật pháp hoàn thiện và tiên tiến, nhưng cũng phải phù hợp với các điều kiện của Việt Nam.

Ngoài ra, vào giai đoạn đầu tiếp cận dự án PPP, Chính phủ Việt Nam cần thiết lập một cơ quan chuyên trách, có đại diện của các bên liên quan để xúc tiến các dự án PPP tại Việt Nam. Ví dụ như ở Ấn Độ, họ đã thành lập cả một cơ quan chuyên trách cho vấn đề này và đã làm rất tốt.

Theo ông, yếu tố nào đảm bảo cho sự thành công của mô hình PPP tại Việt Nam?

Đó chính là “hợp đồng hiệu quả” để gia tăng giá trị vốn đầu tư. Yếu tố này bao gồm khả năng chi trả của nhà đầu tư tham gia vào dự án, việc chia sẻ vai trò giữa Nhà nước và tư nhân cùng những ưu đãi phù hợp cho nhà đầu tư.

Yếu tố thứ hai là “môi trường thuận lợi”, bao gồm môi trường cạnh tranh, khung pháp lý hoàn thiện và một nền kinh tế ổn định.

Để thúc đẩy các dự án PPP, chìa khoá dẫn đến thành công chính là sự hợp tác có hiệu quả giữa Nhà nước và tư nhân. Bên cạnh những nỗ lực của tư nhân, vai trò của Nhà nước cũng rất quan trọng.

Thế còn nguồn tài chính cho các dự án thì sao, thưa ông?

Sức mạnh của các dự án PPP là nguồn tài chính không phải chỉ từ chính phủ, mà còn từ các doanh nghiệp tư nhân tham gia. doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh, do đó tiềm lực của họ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường.

Theo ông sẽ có những thách thức nào đặt ra với Việt Nam?

Đó là việc phải cân bằng sự tham gia giữa Nhà nước và tư nhân. Nhu cầu đầu tư ở Việt Nam rất lớn, nhưng sự tham gia của tư nhân còn khá khiêm tốn. Chúng ta phải làm sao cân bằng được giữa lợi nhuận mà nhà đầu tư thu được từ dự án và những mục đích xã hội mà dự án đạt được...

Vậy Việt Nam có thể nhận được sự trợ giúp gì từ Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) và Nhật Bản để thực thi các dự án PPP?

Hiện Việt Nam chưa phải là thành viên của OECD, do đó chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục tạo nhiều cơ hội để Việt Nam tham khảo, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu, tiến hành và điều hành các dự án PPP.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam đã và đang tổ chức các cuộc đối thoại, hội thảo về vấn đề trên để làm sao tìm ra phương thức tiếp cận các dự án này tại Việt Nam.

Chính phủ Nhật Bản luôn sẵn sàng hỗ trợ các dự án PPP tại Việt Nam thông qua vốn ODA, bao gồm hợp tác kỹ thuật (TA), nguồn vốn chính thức khác của Nhật Bản (OOF) và các nghiên cứu khả thi (FS).

(Bích Ngọc)
Báo Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1554
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)