Công trình quốc gia khí - điện - đạm Cà Mau với tổng vốn đầu tư trên 1,2 tỷ USD, gồm đường ống dẫn khí PM3 dài 325 km từ ngoài khơi có năng lực vận chuyển 2 tỷ m3 khí/năm; hai Nhà máy Điện Cà Mau 1&2 có tổng công suất 1.500 MW và Nhà máy đạm 800.000 tấn/năm.
Hiện tại, Nhà máy Khí điện Cà Mau 1 đã vận hành và hoà vào lưới quốc gia, Nhà máy Điện Cà Mau 2 sẽ hoà lưới vào giữa năm 2008, góp phần quan trọng khắc phục tình trạng thiếu điện mùa khô. Ngoài khí điện, nhiệt điện là nguồn năng lượng quan trọng cho ĐBSCL.
Quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Ô Môn được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) phê duyệt gồm 4 nhà máy nhiệt điện, với tổng công suất 2.640 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 có công suất 600 MW, đã hoàn thành khoảng 65% khối lượng, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2009. Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 công suất 720 MW, theo tiến độ xây dựng đến năm 2011 sẽ vận hành, nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3 (công suất 600 MW) dự kiến vận hành vào năm 2013; Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 4 (công suất 720 MW) vận hành vào năm 2015. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư xây dựng các Nhà máy trên còn chậm, cần được quan tâm đẩy nhanh hơn nữa tạo ra nguồn năng lượng mới cho ĐBSCL.
Tại Sóc Trăng, các chuyên gia đã tiến hành khảo sát để xây dựng một nhà máy nhiệt điện than trên diện tích khoảng 350 ha, với 4 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 600 MW cùng hệ thống kho bãi, bến cảng đáp ứng cho tàu 10.000 tấn ra vào được. Tại Trà Vinh, một nhà máy nhiệt điện có công suất khoảng 1.000 MW cũng đã được các chuyên gia khảo sát để quyết định đầu tư, tạo thế liên hoàn giữa công nghiệp năng lượng với các ngành kinh tế biển. Năm 2007, Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) cũng đã khảo sát tại tỉnh Hậu Giang và đã có những thoả thuận để xây dựng một nhà máy nhiệt điện than với công suất khoảng 3.600 MW.
Theo Quyết định số 1290/QĐ-TTg ngày 26/9/2007, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa danh mục 2 nhà máy điện than Kiên Giang 1&2 với tổng công suất dự kiến 5.200 MW vào Danh mục dự án quốc gia gọi vốn đầu tư nước ngoài thời kỳ 2006 - 2010. Nhu cầu điện cho phát triển ĐBSCL lớn, nhưng cần tránh tình trạng tỉnh nào cũng có nhà máy điện, nhất là nhiệt điện than.
Cả nước đang thực hiện Tổng sơ đồ 6, nhưng toàn vùng ĐBSCL thì vẫn chưa có một quy hoạch phát triển điện lực bài bản. Vì thế, khó có câu trả lời một cách khoa học, là tỉnh này hay tỉnh kia trong vùng nên đặt nhà máy điện, loại gì, công suất bao nhiêu?
Việc đảm bảo nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện chạy than trong giai đoạn tới, là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có kế hoạch triển khai ngay trước khi quá muộn.
Được biết, phần lớn các công trình nguồn điện mới cần triển khai trong Tổng sơ đồ 6 của cả nước sẽ là nhiệt điện chạy than. Vì vậy, nhu cầu than cho các nhà máy điện của Tập đoàn Điêän lực Việt Nam (EVN) và các công ty do EVN giữ cổ phần chi phối, cũng sẽ tăng mạnh, từ khoảng 5,2 triệu tấn năm 2008 lên 49 triệu tấn năm 2015 (trong tổng số than cho sản xuất điện của cả nước tương ứng là 6,5 triệu tấn và 78,2 triệu tấn).
Để giải quyết vấn đề này, EVN dự kiến, các nhà máy nhiệt điện than từ Vũng Áng 2 trở ra phía Bắc, sẽ sử dụng than nội địa, còn các nhà máy từ Vũng Áng 3 trở vào phía Nam sẽ sử dụng than nhập khẩu. Như vậy, trong tương lai các nhà máy nhiệt điện than của ĐBSCL chỉ sử dụng nguồn than nhập khẩu.
Vì thế, để các Nhà máy điện này đi vào hoạt động còn phụ thuộc rất nhiều từ kế hoạch nhập khẩu than dài hạn và việc chỉnh trị, thông luồng Định An cũng như năng lực tiếp nhận của các cảng chuyên dùng của ĐBSCL vốn chỉ quen với việc xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và nhập khẩu hàng tiêu dùng.