Ngày 5/3, chính quyền thủ đô Tokyo đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN-Nhật Bản tổ chức hội thảo hỗ trợ mở rộng kinh doanh ở nước ngoài lần thứ 3, với chủ đề "Quan hệ đối tác đang tiến triển: Các cơ hội và rủi ro kinh doanh ở Việt Nam."
|
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Canon Việt Nam (KCN Thăng Long) do Nhật Bản đầu tư
|
Phát biểu trước gần 200 đại biểu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình khẳng định: “Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu. Chính phủ Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước làm ăn, buôn bán và hợp tác kinh tế."
Đến cuối năm 2008, tổng vốn đầu tư mà các doanh nghiệp Nhật Bản đã đăng ký tại Việt Nam lên tới khoảng 17 tỷ USD, trong đó vốn đã giải ngân chiếm 10 tỷ USD. Trong năm 2008, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 17,3 tỷ USD, vượt xa mục tiêu mà chính phủ hai nước đề ra cho năm 2010. Nhật Bản cũng là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam, với tổng số vốn ODA cam kết kể từ năm 1997 lên tới gần 11 tỷ USD”.
Theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau chính là nguồn cổ vũ cho quan hệ giữa hai nước, trong đó có quan hệ kinh tế. Chuyến thăm Việt Nam của Hoàng Thái tử Naruhito vào tháng trước và các chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển lên một mốc cao mới.
Ông Kenji Saegusa, Trưởng phòng Thương mại và Công nghiệp thuộc Cục Công nghiệp và Lao động của chính quyền thủ đô Tokyo, cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, vẫn có nhiều cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Hiện có nhiều công ty Nhật Bản đã triển khai hoặc có ý định đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này.
Sau khi điểm lại một số nét nổi bật trong quan hệ hai nước, ông Saegusa khẳng định: Trong tương lai, chắc chắn quan hệ Nhật Bản-Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.
Tại hội thảo, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroyuki Yushita đã có bài phát biểu quan trọng về quan hệ đối tác Nhật-Việt, trong khi ông Nobuyuki Kasajima, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ, đã thuyết trình về môi trường đầu tư ở Việt Nam và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam. Các đại biểu cũng thảo luận về cơ hội và rủi ro trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề hội thảo, ông Kei Sato, Chủ tịch Nhóm hỗ trợ các thành viên mới của ASEAN (gồm 4 nước Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar), cho biết ông rất quan tâm tới môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Đây là lý do ông tham dự hội thảo này./.